Không hẹn mà gặp, cuộc trò chuyện kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ với ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki cùng một số DN nhập khẩu ô tô, câu chuyện giấc mơ ô tô Made in Vietnam lại được khơi dậy.
Ông kể: “Tôi vừa mới gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục kiến nghị…”. Một bản kiến nghị dài 17 trang với lời cảm ơn Chính phủ đã gần chục lần chuyển ý kiến của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng để DN được tái cơ cấu đầu tư. Song ông Huyên bày tỏ nỗi thất vọng khi những ý kiến chỉ đạo đó đã không được thực hiện. Ngân hàng quay lưng… không cho Vinaxuki khiến các nhà máy của ông tại Mê Linh (Hà Nội); Thanh Hóa… càng rơi vào khó khăn và dừng hoạt động.
“Qua hơn 5 năm "chạy” khắp các cửa mà không được vay vốn lưu động dù Vinaxuki đã có đầy đủ đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, là doanh nghiệp công nghiệp ô tô duy nhất sản xuất phụ tùng cốt lõi bằng công nghệ cao, đã làm ra được các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia với công nghệ cao, làm mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hóa 40% mà cũng không được vay vốn” – ông Huyên than thở.
Một dự án đã từng được hội đồng khoa học cấp nhà nước đánh giá cao, nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý ủng hộ, khuyến khích. Một dự án đã hoàn thành xong việc xây dựng cơ bản, các sản phẩm xuất xưởng và sản xuất hàng loạt từ năm 2011 – 2012, không còn là dự án trên giấy, hay tô hồng… vậy mà hơn 5 năm “chạy” khắp để xin tái cơ cấu vốn, mà không được.
Ông Huyên kể, không thể có vốn để duy trì hoạt động và buộc phải đóng cửa nhà máy, để trả lãi ngân hàng ông phải lần lượt bán từng ngôi nhà do cha để lại, ngôi nhà của ông được Bộ Giao thông vận tải phân, và đến ngôi nhà của con… được hơn 100 tỷ đồng. Thế nhưng, giấc mơ ô tô với ông Huyên vẫn dần xa rời và không biết lúc nào mới có thể trở thành hiện thực, và cánh cửa đang dần khép lại.
Vinaxuki và Trường Hải là hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất các loại ô tô và phụ tùng ô tô. Điều ít ai biết, cả hai doanh nghiệp này cùng được cấp phép một ngày, vào 24/2/2014. Nhà máy đầu tiên của Vinaxuki được khởi công tại Vĩnh Phúc với công suất 20.000 xe/năm và hoàn thành vào năm 2005. Liên tiếp trong ba năm sau đó, tại nhà máy này đã sản xuất được trên 20 dòng xe tải, 3 dòng xe con với mức lãi tốt, trả nợ ngân hàng cũng trong thời gian này.
“Năm 2009 các ngân hàng đã cho Vinaxuki vay gần 300 tỉ vốn kích cầu đầu tư. Các loại xe ô tô của Vinaxuki đều được khách hàng tiêu thụ mạnh, lắp ra đến đâu tiêu thụ hết, nhiều lúc các đại lý phải chờ đợi lấy xe hàng tháng. Đời sống việc làm của người lao động đảm bảo, được cải thiện. Lúc này, các nhà máy Thanh Hóa sản xuất xe tải tiếp tục được xây dựng” – ông Huyên kể lại.
Nhưng khủng hoảng ập đến từ năm 2010, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu tập trung cho đầu tư thì ngân hàng cắt vốn lưu động, lại thêm thị trường ô tô ngừng trệ. Lãi suất ngân hàng quá cao đã khiến cho Vinaxuki không thể chống đỡ được, năm 2011, ngân hàng yêu cầu bán nhà máy để trả nợ. Và ngay cả thời kỳ tiêu thụ xe ô tô phục hồi trở lại vào năm 2012, Vinaxuki cũng đành bất lực nhìn miếng bánh thị trường rơi vào tay các nhà sản xuất, nhập khẩu khác.
Đến giờ, không còn nhà, ở tuổi 75 ông Huyên ở lại một mình trong xưởng sản xuất tại Mê Linh (Vĩnh Phúc), vẫn với ước mơ và tâm huyết có thể phục hồi lại nhà xưởng. Trong khi đó, các ngân hàng đã giới thiệu không ít khách mua lại nhà máy, song cũng không ai mua được và ông Huyên cũng không đành lòng khi cả hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, giờ chỉ được bán với giá… sắt vụn.
“Tôi ngẫm lại rồi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại, cũng như Vinaxuki đang chết dần, là vì các DN ngành ô tô không bao giờ có sự liên kết, hợp tác với nhau. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được ô tô giá rẻ, với chi phí giá thành chỉ 200 triệu đồng và bán với mức giá 300 triệu, nhưng sự thiếu liên kết và cạnh tranh không lành mạnh, đang khiến cho người tiêu dùng không bao giờ được sử dụng những sản phẩm ô tô Việt Nam giá rẻ” – ông Huyên nói.
Theo Trí thức trẻ/CafeF