Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (3/3) đã thông báo tranh cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử tháng 4 tới, với mục tiêu đưa kinh tế Pháp vượt qua đại dịch Covid-19 và các tác động của căng thẳng Nga - Ukraine. Nếu tái đắc cử, ông sẽ là vị tổng thống đầu tiên của Pháp trong 2 thập kỷ qua tại vị 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ông Macron thông báo ý định tái tranh cử trong một bức thư được một số tờ báo Pháp đăng tải. Tuyên bố tái tranh cử của ông được đánh giá là khá đặc biệt, khác với những người tiền nhiệm khi không phải là một bài diễn văn được đọc tại một địa điểm trang trọng như tại Phủ Tổng thống, trước hàng chục nghìn người ủng hộ hay được truyền hình trực tiếp.
Tổng thống Macron bước vào "đường đua" chỉ 1 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ngày 10/4 tới. Theo Hội đồng Hiến pháp Pháp, đã có 12 ứng cử viên đủ điều kiện tranh cử trước thời hạn đăng ký cuối cùng là ngày hôm nay (4/3).
Trong bài viết tuyên bố chính thức tranh cử, ông Macron giải thích lý do tuyên bố tranh cử chậm trễ xuất phát từ bối cảnh địa chính trị thế giới, châu Âu và nước Pháp đang thay đổi với các cuộc khủng hoảng liên tiếp và chưa từng có, từ khủng bố, dịch bệnh và mới nhất là nguy cơ chiến tranh ngay tại châu Âu với cuộc xung đột tại Ukraine.
Đương kim Tổng thống Pháp cho biết, bối cảnh hiện nay không cho phép ông thực hiện chiến dịch tranh cử như thường lệ nhưng cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ nước Pháp, xây dựng Pháp hùng mạnh và một châu Âu tự chủ để đối phó với các thách thức mới.
Tổng thống Macron cũng cho biết, trong 5 năm qua, nước Pháp phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau như đại dịch Covid-19, phản đối chính phủ, bạo động,... thừa nhận "chúng ta chưa đạt được mọi mục đích đặt ra", đồng thời cam kết "tôi sẽ có thể tạo nên sự khác biệt."
Tổng thống Macron nêu các thành quả trong nhiệm kỳ này như tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 15 năm. Ông cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm thuế và thúc đẩy người Pháp đi làm nhiều hơn với gợi ý sẽ khôi phục cuộc cải cách lương hưu. Ông cũng hứa hẹn sẽ cải cách hệ thống giáo dục, nhấn mạnh giáo viên cần được trả lương cao hơn và có nhiều quyền hơn trong hoạt động giáo dục.
Thăm dò dư luận cho thấy, đương kim Tổng thống Pháp vẫn dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ với khoảng 25%. Các đối thủ lớn của ông là lãnh đạo phe cực hữu - bà Marine Le Pen và nữ chính khách theo đường lối bảo thủ trung hữu Valérie Pécresse.
Năm năm trước, ông Macron là Tổng thống Pháp trẻ nhất kể từ thời Napoleon, tự mô tả mình là một chính khách hướng ngoại, giúp Pháp trở nên thân thiện hơn với nhà đầu tư và làm cho Liên minh châu Âu (EU) mạnh hơn.
Ông cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn và giàu có, nới lỏng luật lao động và định hình nước Pháp như là một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, phong trào biểu tình chống chính phủ "áo vàng" và sau đó là đại dịch Covid-19 đã buộc nhà lãnh đạo này phải điều chỉnh các kế hoạch cải cách của mình.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)