Kỳ tích của cả đời người
Những ngày đầu xuân Quý Tỵ 2013 này, chúng tôi ngược về Cao Bằng trong cái rét đến cắt da cắt thịt của vùng núi phía Bắc. Mảnh đất anh hùng từng hứng chịu biết bao đau thương của chiến tranh ngày nào nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Những thửa ruộng tam giác mạch nở hoa lộng lẫy trải dài ngút tầm mắt giữa cảnh núi non hùng vĩ khiến chúng tôi không khỏi ngây ngất.
Theo lời giới thiệu của một anh bạn đang làm nghệ thuật tại TP. Cao Bằng, tôi tìm đến nhà ông Hoàng An, ở thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). Dù đang trong những ngày giáp tết nhưng đối với ông giáo già Hoàng An, công việc vẫn cần mẫn, không ngơi nghỉ. Từ khi về hưu, ông dành hẳn cho mình một góc làm việc riêng. Ông cười mà rằng: "Tài sản lớn nhất của tôi là đống sách vở này đây". Vừa nói, ông vừa chỉ tay ra phía chồng sách cao ngang tầm mắt, trong đó đến quá nửa là từ điển phục vụ cho việc nghiên cứu và dịch tài liệu.
Dịch giả Hoàng An.
Người con của dân tộc Tày tâm sự: "Thú thật với các anh, là người con sinh ra tại vùng đất có nền văn hóa dân tộc đặc sắc, tôi thực sự tiếc cho một "kho" văn hóa còn chưa được giới nghiên cứu quan tâm đúng mức. Văn hóa Tày - Nùng còn ẩn chứa rất nhiều nét hấp dẫn, đặc trưng cho vùng đồng bào biên giới phía Đông Bắc. Những điệu hát sli, lượn, hát then đã níu chân biết bao vị khách lần đầu đặt chân đến đây làm cho "ai lên đến đó thì không muốn về". Cũng chính vì lo sợ văn hóa Tày - Nùng ngày càng mai một do bị lai tạp quá nhiều từ bên ngoài nên tôi góp chút công sức để gìn giữ bằng những vần thơ dịch sang tiếng Tày - Nùng qua tác phẩm văn học để con cháu có cái mà lưu giữ".
Nhiều lúc, ông băn khoăn, "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, tại sao chưa ai dịch ra tiếng Tày? Tác phẩm này đã được các nhà thơ nổi tiếng dịch ra tiếng Việt rất hay, liệu mình có làm cái công việc "múa rìu qua mắt thợ"? Hơn nữa, tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác viết bằng chữ Hán, theo thể Đường luật, dịch ra thể lục bát tiếng Việt đã khó, dịch ra thể thơ lục bát tiếng Tày càng khó hơn. Ông giáo Hoàng An từng băn khoăn về điều này, nhưng rồi ông nghĩ, điều cốt yếu là ở tấm lòng của mình đối với Bác nên quyết tâm dịch.
Ông đã tìm đọc tất cả các sáng tác bằng tiếng Tày của các nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng để "thấm", để sưởi ấm bằng tâm hồn Tày. Bên cạnh đó, đối với nhiều trường hợp, tìm từ tương đương trong kho từ vựng tiếng Tày không phải dễ, thậm chí là không có. Những lúc ấy, ông phải trăn trở chọn từ, thậm chí là "sáng tạo" từ, rồi khi dịch xong mỗi bài, có khi là mỗi câu, mỗi từ, ông điện về, hỏi các bạn thơ người Tày và bà con người Tày như vậy đã đạt chưa, ông mới yên tâm.
Sau thời gian dài cần mẫn, tác phẩm "Nhật ký trong tù" phiên bản tiếng Tày - Nùng đã ra đời trước sự thán phục của giới nghệ thuật. Mỗi bài đều có phần nguyên âm bằng tiếng Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa sang tiếng Tày - Nùng. “"Nhật ký trong tù" là những vần thơ nổi tiếng, truyền tải những tư tưởng lớn lao của Bác, do đó tôi luôn băn khoăn lo sợ chưa hiểu được đầy đủ tư tưởng nhân văn trong tác phẩm. Vừa dịch tôi vừa tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và giới nghiên cứu, cái khó là dịch để sao cho vừa thích hợp ngữ nghĩa, ngữ cảnh câu thơ mà vừa có vần và âm điệu. Hạnh phúc lớn nhất trong đời cầm bút của tôi có lẽ là dịch thành công tác phẩm này", vị dịch giả già tâm sự. Vậy là, ông giáo làng Hoàng An đã làm được một kỳ tích mà ngay cả những dịch giả chuyên nghiệp cũng phải lắc đầu kính nể.
Một số tác phẩm được dịch sang tiếng Tày - Nùng.
Những phần thưởng của cuộc đời
Vốn có sở thích về văn chương từ nhỏ, giữa bộn bề công việc, dù bận đến mấy ông giáo Hoàng An cũng không kìm được "máu văn chương" đang sẵn trong người. Dù khá bận rộn với việc cơ quan, gia đình nhưng ông vẫn "tiết kiệm" quỹ thời gian khiêm tốn dành cho việc nghiên cứu và dịch tác phẩm. Tập thơ song ngữ "Tàng tơ - Đường tơ" là tập thơ đầu tay của ông xuất bản vào năm 2006. Đây là tập hợp những tác phẩm được sáng tác trước đó với hai phần thơ tiếng Việt và tiếng Tày - Nùng. Đó cũng là một trong số những tập thơ "song ngữ" hiếm hoi bằng tiếng dân tộc thiểu số được xuất bản đã được công chúng biết đến.
Ông giải thích: "Sở dĩ phải sử dụng cả tiếng Tày và Nùng bởi ngoài giống nhau về cách phát âm và nghĩa, hai ngôn ngữ đó còn được phép sử dụng song song theo quy ước. Nhiều từ ngữ không có trong tiếng Tày được phép mượn từ đồng nghĩa trong tiếng Nùng và ngược lại".
Năm 2008, tác phẩm "Truyện Kiều" được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản. Đây là quyển sách được dịch từ tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du sang tiếng Tày - Nùng với thời gian hoàn thành hơn 1 năm. Đó cũng là công trình đầu tiên của ông trong vai trò "dịch giả".
Mọi người đều biết rằng, sau mỗi tác phẩm được xuất bản ra công chúng có không ít mồ hôi, công sức, là sự âm thầm cống hiến của tác giả. Nhiều lúc ông "tranh thủ" tìm khắp các thư viện để nghiên cứu tài liệu vào buổi trưa, hay những khi hăng say làm việc suốt đêm, trời đã sáng mà không hề hay biết. Thành công này đã thôi thúc ông đưa tiếp những tác phẩm văn học nổi tiếng khác vào đời sống của đồng bào Tày - Nùng. Nhận thấy tác phẩm "Chinh phụ ngâm" có nhiều đoạn hay và hấp dẫn không thua kém "Truyện Kiều", từ đầu năm 2009, nhà giáo Hoàng An đã bắt tay dịch. Đến cuối năm 2009, tác phẩm đã này đã được xuất bản bằng ngôn ngữ Tày - Nùng.
Nói về cái khó khi dịch những tác phẩm này, ông cho biết, mỗi thời lại xuất hiện thêm nhiều từ ngữ mới phù hợp hơn với thời đại và nhiều từ ngữ không thích hợp lại bị lược bỏ đi, không sử dụng nữa. Do vậy, công việc dịch tác phẩm đòi hỏi "dịch giả" cần phải có một kho kiến thức rất lớn và hiểu được nhiều nền văn hóa mới đem lại sự thành công.
Ngẫm lại đã quá nửa đời gắn bó với nghề giáo, khi về hưu ông luôn đau đáu một điều mình chưa được cống hiến hết mình cho văn hóa bản địa. Ông chia sẻ: "Tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy tôi còn kiêm thêm một số công việc khác nên không có thời gian thực hiện "dự định" từ trước của mình. Nay về hưu được rảnh rỗi hơn, ngoài việc trông nom con cháu và gia đình, tôi sẽ dành toàn bộ thời gian cho công việc dịch những tác phẩm văn học nổi tiếng sang tiếng Tày - Nùng. Mong muốn của tôi là để dân tộc Tày - Nùng dễ tiếp nhận hơn và lưu giữ lại cho hậu thế".
Ông giáo người Tày say mê học hỏi Ông Hoàng An sinh ra tại xã Phong Châu thuộc Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ nhỏ những điệu hát sli, lượn đã nuôi dưỡng cho tâm hồn cậu bé qua những lời ru của các mẹ, các chị. Học xong cấp 2, Hoàng An được chuyển tiếp vào học tại trường Sư phạm miền núi Trung ương (1947), đến khi ra trường được phân công giảng dạy tại địa phương. Những tưởng công việc vinh quang trên bục giảng sẽ gắn bó với ông suốt đời nhưng sức trẻ cũng như nhiệt huyết say mê chưa cho phép thầy giáo trẻ "ngồi yên". Năm 1965, Hoàng An được cử sang học tiếp tại trường đại học danh tiếng ở Nam Kinh (1965), chuyên ngành Hán ngữ. Ông học ở bất cứ đâu và học mọi lúc mọi nơi, ngoài những giờ lên lớp ông thường xuyên lên thư viện để đọc sách bằng ngoại ngữ và nghe radio để học thêm Hán ngữ. "Cũng nhờ thời gian tôi được học về tiếng Hán nên đã có sự tích lũy về văn hóa cũng như khả năng sử dụng tiếng Hán của mình, cho nên việc hiểu một tác phẩm văn học bằng chữ Hán đối với tôi cũng không quá khó", ông An cho biết. |
Anh Văn