Hiến 4.000m2 đất xây trường
Ông Bùi Văn Sòn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Mường Bi. Từ nhỏ, ông đã được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng. Ông chia sẻ: "Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, cái ăn cái mặc cũng không có, hơn nữa đất nước đang chìm trong chiến tranh loạn lạc. Khi mới biết nhận mặt con chữ và thực hiện những phép tính đơn giản cộng, trừ, nhân, chia thì tôi phải bỏ học giữa chừng".
Ông Bùi Văn Sòn - người đã hiến tặng 4.000m2 đất để xây trường học cho con em trong xã.
Năm 18 tuổi, ông Sòn lên đường nhập ngũ. Bảy năm hoạt động trong quân ngũ là quãng thời gian vô cùng quý giá để ông học tập, tu dưỡng đạo đức. Ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của tổ chức giao cho. Kể về cái thời chiến tranh khói lửa, ông vẫn nhớ như in về những lần đi phá bom cùng đồng đội, đối diện với cái chết cận kề, nhưng người lính công binh vẫn hiên ngang, bất khuất và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ông Sòn cùng với đồng đội đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử năm 1975.
Sau 30 năm kháng chiến, ông Bùi Văn Sòn lại trở về quê hương tiếp tục xây dựng cuộc sống mới, góp phần đưa quê hương ngày càng mạnh giàu hơn. Người cựu chiến binh già vẫn luôn đau đáu tìm cách giúp dân bản giàu có hơn về vật chất lẫn tinh thần. "Tôi ước mơ người dân nơi đây có đủ cơm ăn, có đủ điện để dùng và có ánh sáng tri thức về soi sáng bản làng. Để làm được việc đó không có cách nào khác là tìm cách mang con chữ về cho dân bản".
Chia sẻ về quyết định hiến mảnh đất rộng gần 4000m2 để xây dựng trường học, ông Sòn nói: "Chỉ có con chữ mới thay đổi được cuộc sống của dân bản. Khi người dân được học hành, họ sẽ biết cách trồng cây ngô, nuôi con gà, biết sống văn minh, do đó chất lượng cuộc sống sẽ dần dần được cải thiện".
Con chữ sẽ làm thay đổi bản nghèo
Thuộc diện khó khăn nhất của xứ Mường Bi, xã Ngọc Mỹ vẫn bị bao trùm bởi bóng tối, sự đói nghèo, lạc hậu. Mặc dù nghèo khó nhưng những đứa trẻ vùng cao vẫn khát con chữ đến cháy bỏng. Đã có rất nhiều đứa trẻ làng phải bỏ học giữa chừng để theo mẹ lên nương, rẫy kiếm sống. Ông nhận thấy cuộc sống của dân bản từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn không có sự thay đổi nhiều do họ chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Do đó, không có cách nào khác là phải mang con chữ về bản. Ông đưa ra quyết định hiến đất xây trường, mới đầu những người thân trong gia đình còn phản đối, nhưng được ông vận động, làm công tác tư tưởng thì họ đã tin và ủng hộ tâm nguyện đó của ông. Ông báo cáo với chính quyền về ước mơ hiến đất và Nhà nước cũng đã tạo điều kiện để xây ngôi trường trên chính mảnh đất ông đã hiến tặng. Ước mơ mang con chữ về bản của ông đã được toại nguyện.
Ngôi trường tiểu học xóm Cóc được xây dựng từ mảnh đất của ông Sòn.
Chúng tôi vượt quãng đường hơn 20km thăm ngôi trường tiểu học B Ngọc Mỹ. Ngôi trường mới xây khang trang, sạch đẹp, như minh chứng rõ ràng nhất cho ánh sáng tri thức về bản. Tuy điều kiện dạy và học của giáo viên, học sinh nơi đây gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trên khuôn mặt của tất cả mọi người đều rạng lên niềm vui, sự tự hào khi con em họ đã có cơ hội cắp sách tới trường, nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo và vươn tới cuộc sống văn minh.
"Bản thân tôi cũng như những người đi trước đã phải chịu sự thiệt thòi, không được học hành đến nơi đến chốn, do hoàn cảnh khó khăn, chiến tranh loạn lạc, thì giờ đây, đất nước đã hòa bình, cuộc sống của người dân cũng đã bớt khổ thì tại sao con em chúng tôi lại không được cắp sách tới trường", ông Sòn xúc động chia sẻ.
Được biết, khi trường chưa được xây dựng, hai cậu con trai lớn của ông theo học đến lớp 5 đã phải bỏ học giữa chừng vì không có trường, vì không đủ điều kiện cho các con theo học tại trường huyện. Giờ đây, khi trường tiểu học và trung học cơ sở đã được xây dựng ngay tại mảnh đất nơi ông chôn nhau cắt rốn, những đứa trẻ nơi đây có thể cắp sách tới trường để theo đuổi ước mơ. Cậu con trai út của ông năm nay đã học lớp 2.
Trao đổi với chúng tôi về nghĩa cử cao đẹp của ông cựu chiến binh tình nguyện hiến đất xây trường học cho dân bản, ông Bùi Công Dương (Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ) cho biết: "Việc làm của ông Bùi Văn Sòn là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Nhờ có mảnh đất được hiến đó, ngôi trường đã nhanh chóng được xây dựng, giúp hàng trăm học sinh bản nghèo có thể cắp sách đến trường. Ông Sòn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo".
Tiễn chúng tôi trên con đường dốc đá lởm chởm, ông Sòn chỉ tay về phía trước bày tỏ sự tin tưởng rằng: "Trong tương lai không xa nữa, những con đường này sẽ được bê tông hóa, cuộc sống dân bản sẽ giàu có hơn...".
Thế Hoàng