Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch" diễn ra ngày 11/10, ông Vũ Tiến Lộc - ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, hiện, giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của nhiều doanh nghiệp. Việc siết chặt đi lại khiến các công nhân, nhân viên không thể đến nơi làm việc, dẫn đến sản xuất ngưng trệ.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu vật tư để sản xuất. Các doanh nghiệp muốn duy trì trong thời gian dịch phải xây dựng mô hình "3 tại chỗ", tuy nhiên kinh phí duy trì lớn. Ngoài ra, lượng hàng hóa sản xuất không bán được do dịch bị tồn đọng, hiệu quả giảm sút. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng không thể duy trì lâu dài, thiếu khả năng tất toán.
"Không vay được vốn thì việc giảm lãi suất chẳng có ý nghĩa gì"
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2021 là 85.483 doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020, đây cũng là con số thấp nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021 là 90.291 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021.
"Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới", ông Lộc đánh giá. Các doanh nghiệp đang "kiệt quệ" bởi dịch Covid-19. Những doanh nghiệp "3 tại chỗ" cũng chỉ hoạt động 10%-15% công suất do không chịu được các chi phí duy trì.
"Trong 3-6 tháng tới, nếu tình hình dịch không thay đổi, doanh nghiệp khó có thể trụ vững", ông nói thêm.
Đặc biệt, áp lực khi vừa phải phát triển kinh tế, vừa phải phòng dịch ảnh hưởng đến tâm lý xã hội của cả doanh nghiệp và người lao động.
Theo ông Lộc, các nhãn hàng trên thế giới có hợp đồng sản xuất tại Việt Nam đã chuyển 20% đơn hàng đi nơi khác do nước ta phục hồi tương đối chậm và đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh. Ông cho rằng thời gian tới, khi đã mở cửa kinh tế, các doanh nghiệp có thể sản xuất các đơn hàng vụ xuân - hè, thu - đông, có thể kỳ vọng đảo được từ tăng trưởng âm sang dương.
Ông Lộc cho biết, tại Tp.HCM, lượng lao động lớn đã về quê và có thể qua Tết mở trở lại. Tuy nhiên, cần tính đến phương án họ không trở lại do miền Bắc đang thiếu lao động nên trong thời gian tới, có thể có đợt chuyển dịch lao động mới.
"Tiếp sức" cho doanh nghiệp bằng các gói hỗ trợ lớn
Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, Hiệp hội Công Thương Hà Nội cho biết, khó khăn trong thời gian tới cần giải quyết là tình trạng nợ xấu. Các gói vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… của doanh nghiệp đều nhanh chóng trở thành nợ xấu khi doanh nghiệp không thể hoạt động.
Gần đây Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ có đưa ra ý tưởng xây dựng gói hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 3000 tỷ đồng. Theo ông Nghĩa, những doanh nghiệp cần giảm lãi suất là những doanh nghiệp đang hoạt động và đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn không có doanh thu, tài sản đảm bảo… nên không đủ điều kiện vay vốn. "Không vay được vốn thì việc giảm lãi suất chẳng có ý nghĩa gì", ông nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết hiện nước ta đang bắt đầu mở cửa trở lại, doanh nghiệp phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động. Thứ hai, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể về thuế, nợ để gửi các cơ quan chức năng xem xét.
"Hiện, nhiều nước trên thế giới áp dụng cơ chế xóa nợ, không đòi được thì phải xoá nợ", ông Nghĩa nói và lý giải thêm rằng "những khoản nợ do yếu tố khách quan có thể xóa bỏ".
Thứ ba, phải có gói kích thích "tiền tươi thóc thật" hỗ trợ doanh nghiệp với phương án giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp lâu dài đến năm 2023 chứ không chỉ đến tháng 6/2022.
Ông Nghĩa cho biết Chính phủ các nước Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu… đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động.
Theo ông, Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho doanh nghiệp và người dân 5.800 tỷ USD. GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ USD, như vậy gói tài trợ chiếm hơn 1/4 GDP. Thậm chí, Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh với hơn 3.400 tỷ USD trong khi GDP Nhật khoảng 5.000 tỷ USD, tức gói hỗ trợ chiếm trên 60%. Họ hỗ trợ người lao động được hưởng lương và cho những doanh nghiệp lớn, cần phục hồi vay. Hay Châu Âu dùng gói hỗ trợ lên tới 6.000 tỷ USD và GDP của Châu Âu vào khoảng 15.000 tỷ USD.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải tiếp sức ngay để doanh nghiệp có sức bật. Nếu không có vốn và lực lượng lao động, rất khó bật lên trong bối cảnh khó khăn.
Ở nhiều nước trên thế giới, trong điều kiện khẩn cấp, Chính Phủ vay tiền ở Ngân hàng Trung ương và phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương giữ trái phiếu và sau này bán trái phiếu ra, thu tiền về nếu có tình trạng lạm phát.
"Các gói hỗ trợ của Việt Nam rơi vào khoảng 30.000 tỷ tức hơn 1 tỷ USD. Con số này tưởng lớn nhưng thực chất, chưa được 1% phần trăm GDP nước ta", ông nói.
Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm từ năm 2009 khi có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông Nghĩa cho rằng nước ta cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng.
"Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này", ông nói.
Giải pháp "5T" hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động Xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp, cho biết thời gian hậu dịch Covid-19, các ngành liên quan đến sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm hay viễn thông, công nghệ thông tin… có thể phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, những ngành dân dụng, du lịch, bất động sản, nông nghiệp… lại đứng trước nhiều khó khăn.
Theo ông, 4 giải pháp vẫn cần thực hiện quyết liệt gồm: quy tắc 5k, tiêm vắc-xin, hoạt động truyền thông, các biện pháp thúc đẩy tài chính.
"Chúng ta phải có niềm tin và tôi tin sẽ có nhiều giải pháp tốt để thành công", ông Lê Doãn Hợp nói.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, cần có giải pháp "5T" để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thứ nhất là "trợ thở", theo ông Lộc, Chính phủ cần chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế một cách kiên định, nhanh chóng. "Theo tôi, kịch bản được hoàn thành và ban hành sớm ngày nào tốt cho doanh nghiệp, địa phương, người dân ngày đó", ông nói.
Thứ hai là "tiếp máu". Ông Lộc cho biết đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn tuy nhiên cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới. Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Đặc biệt, hiện có nhiều doanh nghiệp yêu cầu phía ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng thực tế, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên khó có thể đảm đương nhiệm vụ hạ lãi suất. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính. Theo ông, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hoặc bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.
Thứ ba là "thúc đẩy", các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực bằng các khóa đào tạo, tập huấn.
Thứ tư là cải cách "thể chế". Việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh sẽ giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt trong khu vực Asean. Nếu không nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế.
Thứ năm là "tổ chức". Theo ông, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường cần được tổ chức nhiều hơn.
Đặc biệt, ông Lộc cũng kiến nghị doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, doanh nghiệp phải có khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh, cần chuyển đổi số. Cách mạng 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa.
Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Theo ông Lộc, yếu tố này là kiên quyết nếu doanh nghiệp muốn phát triển bên vững.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là xã hội hóa doanh nghiệp. "Giá trị của doanh nghiệp không chỉ là tài sản mà là đóng góp cho xã hội. Đó là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp", ông nói.
"Số hóa, xanh hóa, xã hội hóa là 3 việc quan trọng mà doanh nghiệp phải xây dựng và cũng là hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp", ông Lộc cho hay.