Ông đánh giá thế nào về hiện trạng dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông hiện nay?
Ở các cấp học từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đều có hiện tượng học thêm, dạy thêm. Song hình thức dạy thêm, học thêm rất đa dạng nên hiện trạng này rất khó kiểm soát. Theo đó, nó sẽ có những ảnh hưởng lớn cho ngành giáo dục nếu không có biện pháp triệt để. Cần có những đánh giá lại chất lượng giáo dục để tìm ra căn nguyên và khái niệm chuẩn mực cho việc dạy thêm, học thêm tại các trường học.
Cụ thể học thêm, dạy thêm đúng nghĩa phải xét ở hai đối tượng chủ thể là học sinh và giáo viên. Một lớp học thường có tình trạng học sinh có lực học không đồng đều. Vì vậy công tác dạy thêm sẽ là cần thiết trong việc phụ đạo cho những học sinh yếu, kém để theo kịp chương trình học và bồi dưỡng cho học sinh khá để học sinh được phát triển hết khả năng của mình. Việc phân loại đối tượng học sinh mang tính chất hỗ trợ cho chương trình giảng dạy hiệu quả hơn. Một chương trình học phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với học sinh cả về thời gian học và lượng kiến thức tiếp nhận. Khi đã đánh giá và thực hiện đúng phương pháp học thêm, dạy thêm như khái niệm thì tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ được đẩy lùi.
PGS. Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo)
Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay?
Trong mọi vấn đề thì con người luôn là yếu tố quyết định. Ở đây ba đối tượng chính là giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh có những ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dạy thêm, học thêm. Song học sinh luôn là đối tượng chịu tác động lớn từ phía phụ huynh học sinh, giáo viên và môi trường bên ngoài. Theo đó, phụ huynh học sinh và giáo viên phải là người định hướng cho học sinh con đường học đúng đắn để chúng có thể lĩnh hội được kiến thức tốt nhất. Hiện trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là hệ quả của việc nhận thức chưa đúng đắn khái niệm học thêm, dạy thêm của cả phụ huynh học sinh và giáo viên nên mới dẫn đến những định hướng sai lệch trong công tác giáo dục con trẻ và có hiện trạng học thêm, dạy thêm mới khó kiểm soát như hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về chương trình sách giáo khoa cải cách hiện nay? Đây có phải là nguyên nhân làm cho tình trạng dạy thêm, học thêm phát triển một cách khó kiểm soát?
Chương trình cải cách trong sách giáo khoa ở các cấp học đều được đánh giá là khá nặng cho học sinh hiện nay. Nhiều bộ môn đưa vào những kiến thức không cần thiết, trùng lặp nhiều, những kiến thức cần thiết thì chưa có hoặc rất sơ sài. Việc cấu tạo chương trình học như vậy sẽ làm cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thiếu đồng nhất và việc nhận thức, vận dụng thực tiễn sẽ không có. Và đây sẽ là căn nguyên cho nhu cầu học thêm, dạy thêm nổ ra. Nếu không có sự giám sát, hướng dẫn của lãnh đạo nhà trường thì tình trạng học thêm, dạy thêm sẽ ngày càng khó kiểm soát hơn.
Ông có thể chia sẻ những góp ý cá nhân và giải pháp cho tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay?
Đầu tiên thì từ phía nhà trường phải có định hướng rõ ràng khái niệm học thêm, dạy thêm cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Sau đó là cơ quan chức năng cần có chủ trương thành lập hội đồng rà soát lại tất cả bộ môn, bổ sung kiến thức còn thiếu, cắt bỏ những nội dung không cần thiết, căn chỉnh lại lượng kiến thức trong sách cải cách. Quan trọng là việc rút gọn lại những kiến thức căn bản nhằm thống nhất lại nội dung học, tạo điều kiện cho học sinh dễ nắm bắt chương trình. Đây là việc phải ưu tiên thực hiện hàng đầu cho công tác hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm như hiện nay.
Biện pháp được coi là chiến lược lâu dài để triệt để việc học thêm, dạy thêm là việc xóa bỏ cơ chế nặng về bằng cấp. Khi cả xã hội đều coi trọng bằng cấp thì con người sẽ không thể thờ ơ với việc chạy bằng cấp. Từ đó học thêm, dạy thêm sẽ được coi là yếu tố rất quan trọng để phụ huynh học sinh nuôi dưỡng tấm bằng ưu cho tương lai con em họ. Vì vậy, bộ Giáo dục cần có biện pháp để rà soát lại toàn bộ công tác giáo dục từ việc tuyển sinh, thi cử và chương trình giảng dạy. Tuyển sinh không thể đánh giá ở một kỳ thi cuối cùng mà bỏ qua quá trình dài của các kỳ học trước đó. Chương trình dạy học nên giảm bớt lý thuyết và chọn lọc kiến thức thực tiễn để học sinh nhận thức dễ dàng hơn.
B-M