Chỉ đến khi các đầu xe thuộc một doanh nghiệp vận tải thanh toán xong phí cho BOT số 1, tình trạng kể trên mới chấm dứt. Cụ thể, có khoảng 20 xe tải gắn logo Đức Chính đã dùng tiền lẻ để đi qua trạm BOT số 1, Quốc lộ 5. Việc này khiến giao thông chiều từ Hải Dương đi Hà Nội tắc nghẽn cục bộ. Không chỉ tài xế, hàng trăm người dân các huyện Văn Giang và Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) cũng kéo tới trạm BOT này để phản đối.
Bởi lẽ, nhiều xe trọng tải lớn do tránh trạm thu phí đã đi vào các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ khiến đường bị xuống cấp trầm trọng, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao.
Vào thời điểm các tài xế dùng tiền lẻ để thanh toán, trạm BOT số 1 đã huy động toàn bộ lực lượng khoảng hơn 20 người trong ca trực đứng ra kiểm đếm tiền và nhận tiền từ các lái xe. Một lái xe cho hay, tình trạng kể trên thực chất là phản ứng việc thu phí quá cao khi đi qua các trạm BOT trên Quốc lộ 5. Lái xe phải trả đến 40.000 đồng/lượt khi đi qua trạm thu phí, trong khi Quốc lộ 5 nhiều năm nay ít được tu sửa, nâng cấp, chất lượng đường xuống cấp trầm trọng.
Để tránh các trạm BOT trên Quốc lộ 5, nhiều doanh nghiệp vận tải lựa chọn đi vào đường tỉnh lộ, huyện lộ của các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương. Ông Nguyễn Trọng Thiết, Phó Trạm trưởng trạm Thu phí số 1 (BOT số 1) cũng xác nhận việc này là có, nhiều xe tải, xe container khi di chuyển trên Quốc lộ 5 đến ngã tư Quán Gỏi – địa phận giáp ranh giữa Hải Dương và Hưng Yên đã rẽ hướng Quốc lộ 38, đi qua huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh rồi trở ra Quốc lộ 5 đoạn gầm cầu vượt Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) hoặc địa phận Phú Thụy (Gia Lâm, TP.Hà Nội). Đi đường tránh này, quãng đường chênh lệch khoảng 8–10km, đường nhỏ, khó đi nhưng nhiều lái xe vẫn chấp nhận.
Đề cập đến giải pháp không để sự việc như trên tái diễn, ông Thiết cho biết, trạm BOT không quyết định được vấn đề này và đề nghị PV liên hệ với đại diện tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) để có thêm thông tin.
Được biết, từ ngày 1/4/2016, phí đi qua các trạm BOT Quốc lộ 5 đã tăng cao. Việc này là do, tuyến đường Quốc lộ 5 cũ hiện được giao cho Vidifi thu phí để hoàn một phần vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đường cao tốc là vốn BOT của chủ đầu tư nhưng Nhà nước lại cho phép doanh nghiệp thu phí Quốc lộ 5 (là tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn của Nhà nước) để hỗ trợ hoàn phí. Điều này là lấy của Nhà nước để bù cho tư nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải. Nhiều doanh nghiệp không tâm phục, khẩu phục vì họ vẫn phải thường xuyên duy trì phí bảo trì đường bộ.
Tính từ bài toán tài chính của Vidifi, các doanh nghiệp vận tải đường bộ đã đưa ra so sánh rất đơn giản và nhanh chóng, đó là: Cả hai lượt đi và về khi lưu thông trên Quốc lộ 5 mất 400.000 đồng/xe; nhưng 2 lượt đi về trên cao tốc là 1.040.000 đồng/xe – được cho là quá khả năng chi trả của doanh nghiệp vận tải.
Tính theo thời gian lưu thông, một chiếc xe với trọng tải 18 tấn và container 40 fit không thể đi nhanh hơn tốc độ 80km/h. Do đó, việc lưu thông trên cao tốc không nhanh hơn được bao nhiêu, chi phí nhiên liệu giảm không đáng kể nhưng mức phí đường bộ mất gấp 4 lần so với Quốc lộ 5. Trước đây, nếu các doanh nghiệp muốn giá cước rẻ hơn, họ sẽ chọn Quốc lộ 5, nhưng giờ giá thu phí tăng lên, đây không còn là giải pháp tối ưu.
Nhóm PV