Các đại biểu tham gia tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra", diễn ra gần đây tại Hà Nội, đã nhấn mạnh sự lúng túng khi phân loại các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay với các hàng tiêu dùng thông thường, vì chưa có hướng dẫn kỹ thuật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Toàn cảnh Tọa đàm.
Không phải thuốc lá mới nào cũng như nhau
Thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đều là những sản phẩm thuốc lá phi truyền thống (không đốt cháy như thuốc lá điếu), nhưng cả hai có cấu tạo hoàn toàn khác biệt.
Văn bản quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố từ năm 2018 nêu rõ: TLNN không phải là TLĐT.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) định nghĩa TLĐT là hệ thống phân phối nicotine điện tử, gồm nhiều định dạng như vape, pod, v.v. hoạt động với cơ chế hóa hơi dung dịch (e-liquid) thường có chứa nicotine.
Ngược lại, TLNN theo định nghĩa của FDA là sản phẩm tạo ra khí hơi chứa nicotine bằng cách trực tiếp làm nóng nguyên liệu thuốc lá.
Vì không đốt cháy nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá truyền thống, nên TLNN ban đầu được FDA xếp là sản phẩm thuốc lá và phân loại vào danh mục "thuốc lá không đốt cháy" (non-combusted cigarettes), nhưng sau đó được thiết lập danh mục chính thức là "thuốc lá làm nóng" (heated tobacco).
Cả thiết bị và nguyên liệu của TLNN đều không chứa bất kỳ dung dịch chất lỏng nào, không có buồng chứa và cũng không có tính năng vận hành với dung dịch chất lỏng.
Theo đó, không phải tất cả mọi sản phẩm, mà chỉ một số sản phẩm cụ thể được FDA cho phép bán trên thị trường sau khi đã qua kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đồng thời được nhà sản xuất chứng minh là sản phẩm phù hợp với mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện thị trường xuất hiện các sản phẩm biến thể, kết hợp TLNN và TLĐT, có tên thị trường là "TLNN lai" hay "TLĐT lai" (hybrid).
Loại sản phẩm "lai" này được thiết kế và hoạt động gần giống với TLĐT, vì cả hai sản phẩm đều hóa hơi dung dịch lỏng, chỉ khác biệt là khí hơi của loại lai sẽ đi qua nguyên liệu thuốc lá trước khi được người sử dụng hít vào.
Được biết, đến nay FDA chưa cho phép bất kỳ sản phẩm "lai" nào. Để phân biệt, các sản phẩm TLNN đúng nghĩa - chỉ có chứa nguyên liệu thuốc lá, không có dung dịch - sẽ được gọi theo tên thị trường là "TLNN nguyên bản".

Hình minh họa một số sản phẩm thuốc lá nung nóng nguyên bản với định nghĩa "sử dụng thiết bị làm nóng để làm nóng nguyên liệu thuốc lá đặc chế" trên website CDC.
Khó khăn trong thực thi biện pháp xử phạt
Nhu cầu người dùng, sự đa dạng các sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, của các sản phẩm thuốc lá mới khiến cho cơ quan chức năng khó khăn trong việc quản lý, kể cả khi hướng quản lý đó là Nghị quyết 173 cấm TLĐT, TLNN hiện nay.
Tại tọa đàm, ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội cấm TLĐT, TLNN, nhưng vấn đề là người tiêu dùng vẫn còn nhu cầu sử dụng trên thị trường, nên ngay cả cơ quan chức năng cũng rất khó khi thực thi".
Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Đức Lê, cũng thừa nhận khó để phân loại đâu là TLĐT, mức độ tác hại, khi thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra phòng chống tội phạm buôn lậu.
Do vậy, theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, dưới góc độ pháp lý, việc thực thi không thể chỉ căn cứ trên Nghị quyết 173, mà còn cần các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của các bộ ngành.
"Nên trước tiên cần làm rõ khái niệm, định nghĩa TLĐT, TLNN là gì, phân biệt hai loại sản phẩm này khác nhau như thế nào. Nghiên cứu cho thấy TLNN không phải là TLĐT", ông Hải khẳng định.
Trước đó, vào ngày 4/3, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 68/BCTĐ-BTP về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP (ban hành ngày 28/9/2020) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất một số điều chỉnh cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tính toàn diện trong quản lý. Cụ thể, cơ quan này chưa đồng thuận với phương án quy định khái niệm "TLĐT" và "TLNN" theo hướng gộp chung thành một cụm sản phẩm "TLĐT, TLNN" trong Dự thảo Nghị định 117 sửa đổi.
Đối với nội dung này, Bộ Tư pháp khẳng định: Thứ nhất, TLĐT và TLNN là các khái niệm độc lập, có sự khác nhau về cấu tạo, cơ chế hoạt động, thành phần, tác hại và đối tượng sử dụng.
Theo khái niệm "Mức độ rủi ro tương quan của các sản phẩm thuốc lá" từ FDA, những sản phẩm thuốc lá không đốt cháy nhìn chung thường có mức độ rủi ro đối với sức khỏe thấp hơn so với thuốc lá điếu hay các sản phẩm thuốc lá đốt cháy khác.
Vì vậy, việc gộp chung hai khái niệm TLNN và TLĐT có thể dẫn đến sự đồng nhất trong cách nhìn nhận về mức độ nguy hại của từng loại sản phẩm, đồng thời gây khó khăn trong quá trình xây dựng các biện pháp phòng, chống tác hại.
Chẳng hạn, được biết năm 2019-2020, CDC có đề cập đến một số trường hợp nhập viện hoặc tử vong do sử dụng TLĐT tại Hoa Kỳ, nhưng không có trường hợp nào có liên quan đến việc sử dụng TLNN.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung định nghĩa "TLĐT" và "TLNN" vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 67/2013 nhằm đảm bảo tính đồng bộ và bao quát trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, cũng theo ý kiến của các đại biểu, bên cạnh việc làm rõ định nghĩa về TLNN và TLĐT trong các văn bản hướng dẫn, cần có đánh giá toàn diện về nhu cầu thực tế của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá hiện nay.
Điều này không chỉ góp phần đảm bảo triển khai Nghị quyết một cách đầy đủ, hiệu quả, mà còn giúp hạn chế thiệt hại kinh tế và thất thu ngân sách trong quá trình kiểm soát thị trường và phòng chống buôn lậu buôn thuốc lá.