Phần lớn sự chú ý của thế giới không còn đặt vào Ukraine

Thứ 5, 26/09/2024 11:40

Những chiếc ghế trống trong hội trường Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 khi ông Zelensky phát biểu phản ánh một vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt.

Khi nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại hội trường Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào ngày 25/9, ông coi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là mối đe dọa đối với châu Âu và xa hơn nữa, cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của thảm họa hạt nhân và khả năng chiến tranh lan sang Đông Âu.

Bầu không khí trong hội trường năm nay đã khác, với chỉ thưa thớt thính giả. Những chiếc ghế trống phản ánh vấn đề mà bài phát biểu của ông Zelensky muốn giải quyết: Phần lớn sự chú ý của thế giới đã chuyển khỏi Ukraine khi tình hình ở Trung Đông có nguy cơ trở nên mất kiểm soát.

Nhà lãnh đạo 46 tuổi lên án việc Nga nhắm mục tiêu vào mạng lưới cơ sở hạ tầng của đất nước ông, nói rằng “80% hệ thống năng lượng của đất nước đã sụp đổ”. Ông cho biết các cuộc tấn công không chỉ khiến hàng triệu người Ukraine phải chịu một mùa đông khắc nghiệt không có điện mà còn khiến các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine gặp nguy hiểm.

Ông Zelensky cáo buộc Nga cố gắng ngắt kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzia khỏi lưới điện, khiến châu Âu chỉ cách một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV/drone) là có thể rơi vào “thảm họa hạt nhân” khi “bức xạ sẽ không tuân theo mệnh lệnh của nhà nước”.

Phần lớn sự chú ý của thế giới không còn đặt vào Ukraine- Ảnh 1.

Ông Zelensky phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) lần thứ 79 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, ngày 25/9/2024. Ảnh: Arab News

Nhà lãnh đạo Ukraine đã sử dụng chuyến đi tới Mỹ tuần này để phác thảo một “kế hoạch chiến thắng” – trong đó bao gồm lời kêu gọi thêm viện trợ và yêu cầu sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất vào sâu hơn bên trong nước Nga để củng cố vị thế của Kiev đến mức đủ buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán.

Nhận thức rằng sự hỗ trợ trên chiến trường sẽ không đủ để buộc đối phương phải đạt được thỏa thuận về tương lai của Ukraine, ông Zelensky cũng đã yêu cầu phương Tây tăng cường áp lực kinh tế, chính trị và ngoại giao để buộc Nga phải đàm phán. Trong ngày 26/9 (giờ địa phương), ông Zelensky sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về kế hoạch trên.

Ở phía bên kia, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/9 đã cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu rõ Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bởi một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, và đây được coi là một cuộc tấn công hỗn hợp nhằm vào Nga.

Những thay đổi cơ bản đối với học thuyết hạt nhân của Nga được ông Putin đưa ra khi ông chủ trì một sự kiện gọi là “Hội nghị thường trực của Hội đồng An ninh Nga về răn đe hạt nhân” được tái khởi động sau một thời gian tạm dừng hơn một năm. Những sự kiện như thế này thường được tổ chức đằng sau cánh cửa đóng kín và ngoài tầm mắt của công chúng, nhưng lần này người đứng đầu Điện Kremlin đã có bài phát biểu công khai.

Trên thực địa, trong ngày 25/9, các lực lượng Nga đã tiến đến ngoại ô Vuhledar ở khu vực Donetsk và hiện có thể đang đe dọa thị trấn này từ 3 phía. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng Nga có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên khu vực được phòng thủ nghiêm ngặt này trong tuần tới.

Thông tin từ các blogger quân sự thân Nga và các tổ chức giám sát nguồn mở cho thấy các lực lượng Ukraine ở đây đang có nguy cơ bị đối phương bao vây. Theo thước phim có định vị địa lý, quân đội Nga đã đột phá vào phía Đông Vuhledar và đang tiến vào thị trấn này qua đó.

Nằm cách Pokrovsk 50 km về phía Nam, Vuhledar là một “ngã ba đường bộ chiến lược” và trung tâm hậu cần, thường được gọi là “pháo đài”. Thành trì này đã trụ vững trong 30 tháng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Có những lo ngại về hậu quả có thể xảy ra khi thành trì Vulhedar sụp đổ, cụ thể là về cách nó có thể gây ra mối đe dọa cho sườn phía Nam của Pokrovsk – một mục tiêu ưu tiên của quân đội Nga ở khu vực Donetsk.

Nhưng Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) lập luận rằng việc Nga có thể chiếm được Vuhledar khó có thể thay đổi cơ bản tiến trình của các hoạt động tấn công trong khu vực này.

Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC cho rằng Vuhledar không phải là nút hậu cần đặc biệt quan trọng, do đó, việc chiếm được Vuhledar sẽ không ngay lập tức cung cấp cho lực lượng Nga quyền tiếp cận một tuyến đường mới hoặc cắt đứt các lực lượng Ukraine khỏi một tuyến đường quan trọng đối với nguồn cung cấp hậu cần của họ.

Minh Đức (Theo GZero Media, TASS, Euronews)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.