Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt gà nằm trong nhóm thịt trắng, cung cấp nhiều protein, là nhóm chất chính tạo thành cấu trúc của tế bào và ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao và trí não con người.
Thịt gà ít cholesterol hơn các loại thịt đỏ, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Trong 100 g thịt gà chứa 199 calo, 20,3 g protein, 4.3 g chất béo và nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP, khoáng chất canxi, phốt-pho, sắt có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, trong thịt gà chứa hàm lượng beta-carotene, lycopene, retinol, alpha cao, đều bắt nguồn từ vitamin A có tác dụng tăng cường thị lực.
Từ xưa, thịt gà thường được hầm với tam thất, lá dâu để bồi bổ cơ thể; hầm với hạt sen chữa suy dinh dưỡng; với đậu đỏ chữa phù thũng; với ngải cứu dùng cho phụ nữ xanh xao, gầy yếu. Cháo thịt gà mái cũng là vị thuốc chữa liệt dương.
Nghiên cứu chỉ ra, phần thịt gà ở các vị trí khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau về lượng protein, lượng mỡ và thành phần mỡ. Phần ức gà là nơi được đánh giá cao nhất về dinh dưỡng trong thịt gà, trong 100 g ức gà có 18 g chất đạm, chứa nhiều vitamin B tốt cho ngăn ngừa đục thủy tinh thể và rối loạn về da, tăng miễn dịch, lượng chất béo cũng thấp.
Bởi thịt gà ngon, bổ nên nhiều người vẫn “rỉ tai” nhau, miếng phao câu, gà vịt là bộ phận ngon và bổ dưỡng hàng đầu trên cơ thể gà, vịt. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn trái với khoa học, vì chúng không tốt cho sức khỏe như nhiều người nghĩ, thậm chí nó còn “mang họa” cho con người không hề nhỏ.
Dưới đây là một số chia sẻ từ các chuyên gia, nếu bạn đang “nghiện” phao câu gà vịt, hãy cân nhắc khi sử dụng chúng:
Tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư: Phao câu là phần sau cùng của gà, vịt... chúng chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho con người, cho dù có được làm sạch cũng khó hết những vi khuẩn bám trên đó.
Điều đáng nói nhất là bên trong hậu môn có túi xoang. Trong túi xoang có hàng vạn tế bào lâm ba và những tế bào phệ khổng lồ, chúng có sức cắn nuốt rất mạnh. Những tế bào này có thể cắn nuốt được các chất độc gây bệnh vào cơ thể gà, vịt (trong đó không loại trừ vi khuẩn gây ung thư). Và dĩ nhiên, nếu chúng ta ăn phao câu thì chẳng khác nào gián tiếp mang ung thư vào cơ thể mình.
Phao câu không có tác dụng làm đẹp: Một số chị em phụ nữ mê ăn phao câu chỉ vì tin rằng, ăn phao câu giúp da đẹp, tóc mượt và cải thiện vòng 3. Đó chỉ là những lời đồn đoán không có căn cứ khoa học, chưa có nghiên cứu nào xác nhận điều này.
Chứa nhiều chất béo: Chính bởi sự béo ngậy vốn có của phao câu là sự “kích thích” nhiều nhất cho người ăn. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, sự béo ngậy, vàng ươm của chúng là mầm mống gây nhiều bệnh liên quan đến béo phì, rối loạn mỡ máu...
Trong phao câu có chứa lượng mỡ và cholesterol rất cao, chính điều này gây hại cho sức khỏe người ăn. Những bệnh nhân bị mắc bệnh tim mạch, rối loạn máu mỡ nên “dừng hẳn” thưởng thức bộ phận béo ngậy này.
LAM ANH (Tổng Hợp)