Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen hôm 8/9 cho biết, bà không tham gia vào việc bổ nhiệm chính trị gia bảo thủ kỳ cựu Michel Barnier làm Thủ tướng Pháp, phủ nhận thông tin của giới truyền thông về việc bà có thỏa thuận với Tổng thống Emmanuel Macron rằng đảng của bà sẽ không ủng hộ động thái bất tín nhiệm nhằm lật đổ Thủ tướng mới.
Sau nhiều tuần do dự, hôm 5/9, ông Macron đã bổ nhiệm ông Barnier, cựu Bộ trưởng Ngoại giao 73 tuổi, người đóng vai trò là nhà đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), làm Thủ tướng mới của Pháp.
Động thái này nhằm đưa cường quốc Tây Âu vượt qua bế tắc chính trị theo sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn vào tháng 6-7 vừa qua dẫn đến một "quốc hội treo", nơi không phe phái nào chiếm đa số tuyệt đối.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng Pháp đang chuẩn bị cho một giai đoạn bất ổn, với việc vị trí của ông Barnier được coi là mong manh và phụ thuộc vào sự ủng hộ từ Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu có tư tưởng bài châu Âu và chống nhập cư của và Le Pen. RN là đảng đơn lẻ lớn nhất trong Quốc hội Pháp khóa mới.
Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP), nổi lên là khối chính trị lớn nhất của Pháp sau cuộc bầu cử, mặc dù chưa đạt được đa số tuyệt đối, cũng đang gây áp lực lên lựa chọn của Tổng thống Macron.
Hơn 100.000 người biểu tình cánh tả đã tập hợp trên khắp nước Pháp hôm 7/9 để phản đối việc đề cử ông Barnier và bày tỏ phẫn nộ trước quyết định phớt lờ cánh tả và bổ nhiệm một Thủ tướng từ phe bảo thủ của ông Macron.
Phát biểu với các phóng viên hôm 8/9, bà Le Pen, người lãnh đạo các nhà lập pháp RN tại Quốc hội Pháp, đã phủ nhận thông tin rằng bà đã thảo luận về việc bổ nhiệm ông Barnier trong một cuộc điện thoại với ông Macron vào ngày 5/9.
"Tôi không phải là người đứng đầu bộ phận nhân sự của ông Macron", bà Le Pen nói, đồng thời cho biết đảng của bà sẽ không tham gia vào nội các của chính phủ mới.
Ngoài ra, vị nữ chính trị gia kỳ cựu cũng thúc giục ông Macron tiến hành trưng cầu dân ý về các vấn đề quan trọng như nhập cư, chăm sóc sức khỏe và an ninh để trao cho người dân quyền bỏ phiếu trực tiếp.
Đảng RN "sẽ ủng hộ hoàn toàn bất kỳ cách tiếp cận nào nhằm trao cho người dân quyền quyết định trực tiếp", bà Le Pen cho biết khi phát biểu tại thị trấn Henin-Beaumont ở phía Bắc đất nước – thành trì truyền thống của phe cực hữu.
Bà Le Pen cũng cho biết bà sẽ theo dõi mọi động thái của ông Barnier khi vị chính trị gia bảo thủ này trên cương vị Thủ tướng Pháp.
"Nếu trong những tuần tới, người Pháp một lần nữa bị lãng quên hoặc ngược đãi, chúng tôi sẽ không ngần ngại chỉ trích chính phủ", bà nói, và cho biết thêm rằng bà đoán Pháp sẽ tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp mới "trong vòng một năm" vì "Pháp cần có đa số phiếu rõ ràng".
Liên minh cánh tả cũng đã tuyên bố sẽ loại ông Barnier bằng một động thái bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp.
NFP muốn bà Lucie Castets, một nhà kinh tế 37 tuổi, trở thành Thủ tướng, nhưng ông Macron đã dập tắt ý tưởng đó, với lý do rằng bà sẽ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo một cuộc thăm dò được công bố hôm 8/9, phần lớn người Pháp hài lòng với việc bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng, nhưng tin rằng ông sẽ không giữ được chức vụ mới của mình lâu.
Theo cuộc thăm dò của Ifop cho tờ Journal du Dimanche, 52% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với việc bổ nhiệm ông Barnier. Để so sánh, 53% số người được hỏi đã chấp thuận đề cử người tiền nhiệm của ông Barnier là ông Gabriel Attal khi ông Attal được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào đầu tháng 1, trở thành Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Pháp ở tuổi 34.
Theo cuộc thăm dò, phần lớn số người được hỏi coi ông Barnier, Thủ tướng lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại, là người có năng lực (62%), cởi mở đối thoại (61%) và dễ mến (60%). Tuy nhiên, 74% số người được hỏi tin rằng ông sẽ không giữ chức vụ này lâu. Ifop đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến với 950 người trưởng thành tham gia vào ngày 5-6/9. Sai số lên tới 3,1 điểm.
Minh Đức (Theo France24)