Trong Tây du ký, Bồ Đề Tổ Sư ẩn cư tại Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong “Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động”. “Linh Đài Phương Thốn sơn” gọi tắt bằng chữ đầu và chữ cuối là “Linh sơn”, “Tà Nguyệt Tam Tinh” chính là vật trên thiên thượng, ám chỉ “bầu trời”. Hợp nhất chúng lại chính là: “Thiên Thượng Linh Sơn”.
Trong hồi đầu của Tây du ký, võ công của các đồ đệ Bồ Đề Tổ Sư được nhắc tới là vô cùng đa dạng, có những cao thủ như Tiểu Đạo Đồng ngón giữa phun lửa. Bồ Đề Tổ Sư cũng là người tinh thông 108 pháp Thiên cang Địa sát, ngoài ra ông còn có pháp Nhãn vô cùng lợi hại, có thể phân biệt được thiện - ác và có thể nhìn thấy sự việc ở quá khứ hoặc tương lai trong vòng 500 năm.
Tuy nhiên, tung tích hay xuất thân của Bồ Đề Tổ Sư là ai, có lẽ chúng ta không thể biết nếu chỉ dừng ở mức đọc hoặc xem Tây du ký. Danh xưng Bồ Đề Tổ Sư thực ra cũng chỉ mang nghĩa là một vị thầy tịnh tu đắc đạo dưới gốc cây bồ đề mà thôi.
Nói về sự lợi hại pháp Nhãn của Bồ Đề Tổ Sư. Năm đó khi quyết định đuổi Tôn Ngộ Không, ông đã nói: "Ngươi đi rồi sau này ắt sẽ gây họa, tuyệt đối không được nói ta là sư phụ ngươi, nếu nhắc tên ta nửa chữ, ta sẽ biết và xuất hiện, khiến cho linh hồn người bay xuống Cửu U, vĩnh viễn không được chuyển kiếp".
Dựa vào lời nói và hành động của Bồ Đề Tổ Sư có thể hiểu được rằng ông vốn đã nhìn thấy tương lai của Ngộ Không, thậm chí khi nhận Ngộ Không làm đệ tử là do ông đã làm theo những những gì mà mình nhìn thấy trước.
Sau này, quả nhiên Ngộ Không đã gây ra biết bao nhiêu chuyện kinh thiên động địa khiến bản thân bị giam cầm dưới núi Ngũ Hành 500 năm. Đó đã là an bài từ trong số kiếp của y, mệnh trời khó cưỡng, tổ sư dù đoán được trước song thiên cơ bất khả lộ.
Bồ Đề Tổ Sư biết tên đồ đệ này có căn cơ lớn mặc dù ương bướng gây họa nhưng tiềm ẩn cốt cách tăng phật, có thể tu thành chính quả. Vậy nên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là đặt nền móng cho Ngộ Không, tiễn biệt Ngộ Không trên đoạn đường học Đạo.
Việc Bồ Đề Tổ Sư dạy Tôn Ngộ Không 72 phép Địa sát cũng là trang bị trước cho Ngộ Không chút “vốn liếng” trong cuộc vân du bốn biển dài đằng đẵng kia.
Quốc Tiệp (t/h)