Ghi nhận một trường hợp dương tính với virus đậu mùa khỉ ở Long An
Theo báo Tiền Phong, ngày 11/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Long An cho biết, địa phương này vừa ghi nhận một trường hợp dương tính với virus đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là một nam thanh niên, sinh năm 1981, ngụ tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Tình trạng sức khoẻ bệnh nhân hiện ổn định, đang tự theo dõi và cách ly tại nhà, không sốt, các vết mụn nước ở tay đã khô.
Trước đó, ngày 6/10, bệnh nhân này đến Bệnh viện Da liễu Tp.HCM khám bệnh với các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ.
Sau khi nhận được phản hồi của Viện Pasteur Tp.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc xác minh, điều tra, tiến hành các biện pháp chống dịch.
Đáng chú ý qua điều tra dịch tễ, truy vết, xác định tất cả những người tiếp xúc gần và ghi nhận 1 trường hợp tiếp xúc gần, sống cùng nhà. Sức khỏe của người này hiện tại bình thường, không sốt, không nổi hạch, không có mụn nước.
Sau khi phát hiện bệnh, ngành Y tế đã hướng dẫn bệnh nhân cách ly tại nhà, khi phát hiện các triệu chứng về lâm sàng mới xuất hiện thì báo ngay cho cán bộ y tế phụ trách điều tra để được tư vấn/điều trị y tế.
Người tiếp xúc gần khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch,... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời.
Theo VTV, để chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Long An yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan: Tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhất là trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi); đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế... Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, tư vấn kịp thời, đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động lấy mẫu gửi Viện Pasteur Tp.HCM đối với những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo hướng dẫn của Bộ Y tế); tiếp tục cập nhật các tài liệu chuyên môn và hướng dẫn giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khi trên địa bàn; tập huấn phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho nhân viên y tế tham gia điều trị tại tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án thu dung, theo dõi và điều trị bệnh nhân hoặc ca nghi ngờ (nếu có); đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, những trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của tỉnh thì chuyển tuyến an toàn, kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong…
Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, thông thường sau khi nhiễm virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 đến 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.
- Để phòng bệnh đậu mùa khỉ cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
- Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người lành.
Trúc Chi (t/h)