Phát hiện nhiều vụ vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử

Phát hiện nhiều vụ vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử

Nguyễn Quốc Lâm

Nguyễn Quốc Lâm

Thứ 3, 09/04/2024 22:54

Cục QLTT tỉnh Tiền Giang vừa kiểm tra, xử lý 10 trường hợp thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phát hiện nhiều vụ vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử

Ngày 9/4, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa kiểm tra, xử lý 10 trường hợp thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng, với tổng số tiền phạt là 220 triệu đồng.

Tiêu dùng & Dư luận - Phát hiện nhiều vụ vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử

Cục QLTT tỉnh Tiền Giang liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, ngày 22/3/2024, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về thương mại điện tử và hướng dẫn cụ thể cách thức xác định đối tượng vi phạm trên không gian mạng; đưa ra và xử lý tình huống liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử cho các đơn vị trực thuộc.

Vận dụng vào thực tế, ngay sau Hội nghị tập huấn này Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT theo dõi, thẩm tra, xác minh thông tin đối với hơn 20 trang website thương mại điện tử về dấu hiệu không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương trước khi bán hàng.

Chỉ trong vòng nửa tháng sau ngày tập huấn (từ ngày 25/3 đến ngày 08/4/2024), các Đội QLTT đã tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp có hành vi vi phạm nêu trên; tổng số tiền xử phạt hơn 220 triệu đồng.

Đối với vụ việc còn lại, các Đội đang tiến hành theo dõi, sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nếu thẩm tra, xác minh xác định có dấu hiệu vi phạm.

Hoạt động kiểm tra, xác định hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay không phải việc dễ thực hiện nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức cơ bản đã tạo được chuyển biến tích cực.

Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 46 vụ, phát hiện vi phạm 44 vụ, đã xử lý 29 vụ, thu phạt gần 510 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. Còn 15 vụ tồn đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, ước thu hơn 330 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn, vi phạm điều kiện kinh doanh. Mặt hàng vi phạm gồm thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, phân bón, vàng trang sức, xe máy, xe mô tô hai bánh…

Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang cũng đã tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trong hoạt động kinh doanh qua môi trường thương mại điện tử trực tiếp kết hợp với công tác kiểm tra thị trường, tuyên truyền trên sóng truyền thanh, cho cam kết tổng cộng gần 70 lượt.

Với những kết quả nêu trên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử; tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Triển khai các giải pháp, phát triển thương mại điện tử

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm triển khai các giải pháp, hoạt động đưa thương mại điện tử trở thành công cụ được ứng dụng rộng rãi trong cơ quan Nhà nước và phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch này.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Công Thương trong việc hỗ trợ các sở, ngành, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử; đào tạo các kỹ năng, tư vấn cho doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin về thương mại điện tử; gắn kết sự phát triển thương mại điện tử với chính phủ điện tử.

Thực hiện tốt việc quản lý phát triển hạ tầng mạng phục vụ phát triển thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử; chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn xây dựng các chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng. Sở Tài chính tham mưu, bố trí cân đối nguồn vốn hàng năm cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch.

Giao Cục QLTT tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử: Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... trên các website, ứng dụng thương mại điện tử, thiết lập website thương mại điện tử không thực hiện thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc lợi dụng thương mại điện tử để lừa dối khách hàng; thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Công an tỉnh kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trong thương mại điện tử. Cục thuế tỉnh hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ điện tử của ngành trên cổng thông tin điện tử của ngành, cổng dịch vụ công quốc gia về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu thông tin nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch này, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trên địa bàn. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm thời gian chi phí giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.