Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) của Anh đã xét nghiệm mẫu từ 206 con ngựa được giết mổ tại Anh và có 8 mẫu phản ứng dương tính với phenylbutazone, một loại thuốc thú y mà trong một số trường hợp có thể gây ra rối loạn tuần hoàn máu nghiêm trọng ở người.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, Bộ trưởng Heath nói rằng ba trong số các mẫu dương tính đã bị đưa vào hệ thống cung ứng thực phẩm và FSA đang hợp tác chặt chẽ với giới chức Pháp để thu hồi số thịt ngựa nhiễm thuốc thú y trên.
Tuy nhiên, FSA đưa ra con số cao hơn là 6 trong số 8 con ngựa đã giết mổ dương tính với phenylbutazone có thể đã bị đưa vào hệ thống cung ứng thực phẩm.
Ảnh minh họa
Đây là một thông tin gây lo ngại khác trong bối cảnh khắp châu Âu đang hứng chịu vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò.
Siêu thị ở nhiều quốc gia đã loại bỏ hàng triệu sản phẩm thịt đông lạnh sau khi có những phát hiện rằng thịt bò thực chất lại gồm phần lớn là thịt ngựa.
Tập đoàn thực phẩm đông lạnh Findus đang là tâm điểm của vụ bê bối này. Một số sản phẩm thịt băm lasagne của Findus bán ở Anh bị phát hiện là 100% thịt ngựa dù dán mác thịt bò.
Tuy nhiên, FSA cho biết không xét nghiệm thấy phenylbutazone trong các sản phẩm của Findus.
Trong khi vấn đề "thịt ngựa giả thịt bò" gây phản ứng giận dữ từ người tiêu dùng châu Âu, giới chức vẫn khẳng định không đáng ngại về vấn đề an toàn, kể cả sau phát hiện về phenylbutazone.
Quan chức hàng đầu về y tế của Anh, bà Sally Davies khẳng định không có nhiều khả năng ăn thịt ngựa chứa phenylbutazone sẽ gây nguy hiểm cho con người. Giáo sư này nhận định ở mức độ phenylbutazone được phát hiện vừa qua, một người phải ăn đến 500-600 chiếc bánh kẹp thịt ngựa mỗi ngày mới đến gần ngưỡng một liều dùng ở người (phenylbutazone cũng được dùng hạn chế trong điều trị viêm khớp, gút...).
Thịt ngựa được tiêu thụ ở một số quốc gia châu Á và châu Âu, trong đó có Pháp. Nhưng ăn loại thịt này ở Anh lại bị coi là một điều kiêng kỵ
Theo TTXVN