Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có những tiềm năng du lịch dồi dào và độc đáo, không giống bất kỳ vùng miền nào trên cả nước, có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.
Tiềm năng và thế mạnh
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi…
Có thể thấy, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), vườn chim Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp)… Đây là những tài nguyên rất quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.
Đây cũng là nơi giao thoa các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và giá trị.
Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích hơn 40.500km2, tổng dân số gần 18 triệu người (2022), với hơn 386km đường biên giới với Campuchia, có các cửa khẩu quốc tế và quốc gia đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa khu vực với thị trường Campuchia, Thái Lan,… có 4 sân bay, gồm 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa, đặc biệt là sân bay quốc tế Phú Quốc.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...
Nhờ đó, tổng số khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, khách quốc tế là 1,8 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, năm 2024, tỉnh Kiên Giang với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương...
Hợp tác du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội được xác định là trung tâm phân phối khách du lịch hàng đầu đến các tỉnh phía Bắc và cả nước, cũng như tới các nước trong khu vực.
Trong những năm qua, ngành Du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng tốt, nhất là về lượng khách du lịch quốc tế, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung, thể hiện vai trò là một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.
Để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, ngày 11/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến, Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc đã ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Ngoài ra, ngày 17/4, Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 – năm 2024 với chủ đề “Du lịch ĐBSCL, hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững” đã diễn ra chương trình chính thức tại tỉnh Bến Tre.
Tại diễn đàn, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024 với các nội dung liên kết gồm: hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch và tham gia các hoạt động du lịch của 14 địa phương trong liên kết với các nội dung, hoạt động cụ thể, diễn ra tại các tỉnh, thành trong khu vực.
Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức định kỳ 02 năm/lần, luân phiên tại các địa phương trong vùng liên kết.
Thông qua diễn đàn, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và cùng đặt ra mục tiêu cho thời gian tới, trước mắt là năm 2024.
Qua đó, tăng cường hơn nữa mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch và tiến tới đồng thuận đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về liên kết vùng phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.
Việc khai thác thế mạnh và tiềm năng, lợi thế du lịch sông nước, sinh thái và “miệt vườn” của khu vực ĐBSCL trong những năm tới là yêu cầu cấp bách của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác lợi thế so sánh, tạo sự đột phá, thu hút du lịch kết nối phát triển du lịch nội vùng và tiến tới khai thác tiềm năng du lịch tiểu vùng sông Mê Kông và khối ASEAN.
Góp phần thực hiện cơ kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.