Phạt nặng giáo viên dạy thêm: 'Mối tơ vò' có được gỡ rối?

Phạt nặng giáo viên dạy thêm: 'Mối tơ vò' có được gỡ rối?

Thứ 3, 26/03/2013 16:54

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chuyện giảm tải sách giáo khoa là ở "trong tay" của Bộ trưởng bộ GD&ĐT. Bởi thực tế, nguyên nhân của nạn dạy thêm, học thêm là do chương trình sách giáo khoa quá nặng chứ không phải dựa vào việc phạt nặng tình trạng dạy thêm học thêm.

Phạt nặng giáo viên "ăn cắp" kiến thức của học sinh.

Mới đây, bộ GD&ĐT lại tiếp tục ban hành dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Sẽ tăng nặng những giáo viên dạy thêm sai quy định. Theo đó, hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm sẽ bị phạt từ 3- 5 triệu đồng. Đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không bảo đảm quy định sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng. Công tác quản lý liên quan đến tình trạng dạy thêm, học thêm cũng có khung phạt khá khắt khe. Cụ thể, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm, học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ. Hành vi cấp phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền bị đề xuất mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Nhận định về dự thảo trên, GS.TS Phạm Minh Hạc cho hay: "Đây vừa là quy định vừa là lương tâm của nhà giáo vì thế đáng phạt lắm chứ, thậm chí phạt gấp nhiều lần con số 3-5 triệu đồng. Giáo viên định bớt chương trình chính thức để dạy thêm thì học sinh nào không học sẽ bị thiếu kiến thức và không hiểu bài. Và khi giáo viên cho đề thi vào phần chỉ có ở lớp học thêm thì học sinh không thể làm được. Đây chẳng khác nào việc giáo viên "ăn cắp" kiến thức của học sinh, thậm chí là hình thức trù dập học sinh".

Xã hội - Phạt nặng giáo viên dạy thêm: 'Mối tơ vò' có được gỡ rối?

GS.TS Phạm Minh Hạc.

Phó hiệu trưởng một trường THPT ở Quế Võ, Bắc Ninh cho rằng, dự thảo nghị định này nói nhiều đến việc phạt giáo viên nhưng không nói và quy định rõ về gia sư. Tại gia đình của một học sinh có tới 7-10 học sinh, thầy giáo đến đó dạy thì vẫn được coi là hình thức gia sư.

Phải giảm tải sách giáo khoa

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: "Theo tôi dạy thêm, học thêm không thể cấm được vì đó là nhu cầu cần thiết của học sinh. Và một khi đã là nhu cầu của con người thì cấm cũng không được. Quan trọng là làm thế nào để quản lý nó, không để xảy ra các tiêu cực và cũng không tạo môi trường cho giáo viên lách luật, ép học sinh đi học thêm".

Bàn về vấn đề này GS.Văn Như Cương cho rằng: "Theo quan điểm của tôi, không nên cho phép dạy thêm trong nhà trường, đồng thời không nên cho phép giáo viên được dạy thêm chính học sinh của mình. Bởi tôi được biết, có nhiều trường hợp giáo viên cho học sinh học thêm làm trước dạng bài kiểm tra, khiến những em đi học thêm luôn có điểm tổng kết cao hơn những em không đi học. Ở trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội không cho phép giáo viên được dạy thêm cho chính học sinh của mình. Nếu thầy giáo nào vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng".

Để giải quyết vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay,  nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng chỉ phạt nặng thôi thì vẫn không thể giải quyết được vấn đề. Bởi lẽ chương trình trong sách giáo khoa quá nặng dẫn đến nhu cầu về dạy thêm. Có cầu thì ắt có cung, nếu như nhu cầu thực tế vẫn cao thì không thể không xảy ra. "Hiện nay chương trình học quá nặng, học sinh tự nghiên cứu không đủ. Nếu muốn giảm dạy thêm, học thêm thì chỉ có cách cắt giảm chương trình sách giáo khoa", GS.Hạc nhận định.

GS.Phạm Minh Hạc cho rằng: "Chương trình sách giáo khoa quá nặng. Cái đó thì bộ trưởng phải dẹp thôi. Khi tôi còn làm bộ trưởng, ngay năm 1987 tôi đã cho bỏ toàn bộ toán * (những bài toán nâng cao, khó - PV). Bây giờ họ lại cho toán * vào và có tới 50 quyển sách tham khảo toán nâng cao!. Chuyện giảm tải sách giáo khoa là ở trong tay của bộ trưởng".    

Học nhiều quá trẻ con sẽ u mê

"Ở tiểu học học ít hơn chơi. Học trung học thì học bằng chơi, ở phổ thông thì học nhiều hơn chơi. Còn ở đại học thì 90% là học. 10% còn lại mới dành cho chơi, tức là cho thể thao, giải trí, âm nhạc, vẽ, hội họa, như vậy thì trẻ con sẽ thông minh. Học nhiều quá thì trẻ con sẽ u mê, GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT.

T.Huế - Đỗ Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.