Bộ GD&ĐT vừa đưa ra bản Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong dự thảo có điều khoản quy định: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này” (Điều 29, Dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).
Tuy nhiên, dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chỉ ra rằng: "Điều 20, Hiến pháp 2013 đã quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
“Với những quy định nêu trên, nếu không muốn nói là còn sơ sài”, thì việc áp dụng pháp luật sẽ khó thực hiện, dễ lạm dụng pháp luật khi xử lý vi phạm. Bởi, thế nào là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục? Xúc phạm đến mức độ nào thì sẽ bị xử lý hành chính?... không phải ai cũng hiểu và áp dụng luật đúng đắn”, luật sư Vinh nêu quan điểm.
Theo luật sư Vinh, pháp luật hiện hành đã có những chế tài xử phạt vi phạm quy định về trật tự công cộng như: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;” (Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác” (Điều 155, BLHS năm 2015).
Luật sư Vinh cũng nhấn mạnh cần phải lưu ý hai vấn đề đó là: Một, hành vi nếu đã xử phạt hành chính thì không xử lý hình sự và ngược lại. Thứ hai, các hành vi xử phạt phải tương ứng với các quy định xử lý hành chính khác.
“Nếu Dự thảo đặt nhà giáo là chủ thể đặc biệt để tăng chế tài xử phạt lên thì phải đưa ra được lý do cụ thể, nếu không đưa ra được lý do thì chế tài phải tương tự các hành vi hành chính khác”, luật sư Vinh nói thêm.
Ví dụ, một học sinh dùng lời lẽ lăng mạ, xúc phạm giáo viên thì khi nào bị xử phạt hành chính và trong trường hợp nào thì bị xử lý hình sự? Luật sư Vinh cho rằng, những nhà làm luật cần phải lượng hóa cụ thể các hành vi này như xúc phạm, lăng mạ trong thời gian bao lâu, số lời lẽ lăng mạ, hậu quả mà người bị xúc phạm, lăng mạ phải chịu là như thế nào… để quyết định áp dụng hình thức chế tài nào, hành chính hay hình sự? Từ đó mới không dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật một cách tùy tiện.
Hành vi thứ hai nêu trong Dự thảo là hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Về hành vi này, hành lang pháp lý cũng đã có quy định cụ thể hơn, đó là “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” (Điều 134, BLHS năm 2015).
Chỉ khi người nào có hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi đó sẽ bị xem xét xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, luật sư Vinh cũng nói thêm, không phải bất kỳ hành vi xâm phạm nào cũng bị xử phạt hành chính. Ví dụ, học sinh đẩy giáo viên ngã xuống đất, chưa có phần trăm thương tích nào thì bị xử lý ra sao? Có bị phạt tiền theo khung khoản quy định trong Dự thảo là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng không?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Vinh nhấn mạnh lại một lần nữa là nhà làm luật nên lượng hóa cụ thể, quy định rõ ràng hơn, hành vi vi phạm đến đâu, mức độ thế nào từ đó mới áp dụng chế tài xử lý.
“Còn nếu không lượng hóa được hành vi thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng pháp luật”, luật sư Vinh nói.
Luật gia Ngô Văn Thạnh (Hà Nội) cũng nêu quan điểm về quy định của Dự thảo luật này như sau: Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là văn bản thay thế cho Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sau đây gọi là Nghị định số 138/2013/NĐ-CP).
Trước đó, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP được ban hành dựa trên căn cứ pháp lý là luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học. Hiện nay, 02 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số vấn đề bởi luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014. Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan.
Để giải đáp câu hỏi của một số bạn đọc, liệu cùng một hành vi nhưng lại được quy định trong cả hai văn bản pháp luật thì có mâu thuẫn và chồng chéo nhau hay không?
Luật gia Ngô Văn Thạnh cho biết: Theo nguyên tắc suy đoán vô tội quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì, một người bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về một trong các tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Nguyên tắc tiếp theo là, chỉ khi nào một hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm trong BLHS thì khi đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu hành vi đó chưa đến mức cấu thành tội phạm thì chỉ bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính. “Đây cũng là lý do ban hành ra BLHS để xử lý trách nhiệm hình sự và ban hành ra các Quyết định hành chính để xử lý các hành vi vi phạm hành chính. Hai loại văn bản này hoàn toàn độc lập, không mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau”, luật gia Thạnh nói.