Xã hội hoá giáo dục trở thành một xu thế tất yếu, các trường tư thục ngày càng khẳng định vai trò trong hệ thống giáo dục thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, mặc dù vậy vẫn còn nhiều rào cản khiến các nhà đầu tư vẫn còn e ngại cho thị trường.
Những bước đi không dễ dàng
Tham gia thị trường từ cuối năm 2015, ThS.Đoàn Thị Bích Thuỷ - sáng lập hệ thống Sasuke Academy bày tỏ để có chỗ đững trên thị trường thì cần phải mất nhiều thời gian chứng minh giá trị của mình.
Theo bà Thuỷ giống như đầu tư trong các lĩnh vực khác, giáo dục cũng gặp khó khăn về bài toán nhân sự “Nhân sự là cốt lõi của doanh nghiệp, khi có rất nhiều trường mở ra, người lao động sẽ có quyền cân nhắc nhiều hơn. Chính vì vậy, chúng tôi khó có nhiều lựa chọn nhân sự chất lượng như trước”, bà Thuỷ nói về khó khăn then chốt trong quá trình điều hành.
Do là trường tư nhân, tự chủ về tài chính vậy nên nguồn tài chính cũng là vấn đề mà người đầu tư cũng luôn phải cân nhắc, bà Thuỷ chia sẻ: “Nếu trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính chúng tôi sẽ tự chịu điều đó”.
Để giải quyết bài toán này mỗi cơ sở sẽ có phương án khác nhau như kêu gọi vốn đầu tư để tiếp tục nguồn tài chính, thực hiện các khoản vay, thậm chí có những cơ sở giáo dục phải cầm cố tài sản…
“Đối với chúng tôi trong quá trình hoạt động đều có quỹ dự phòng và sẽ được sử dụng trong thời gian khó khăn, không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả những khoản phí”, bà Thuỷ cho biết thêm.
Tuy thị trường lớn nhưng theo quy luật luôn sẽ có sự cạnh tranh, thậm chí là khốc liệt. Hiện ngay, ngày càng nhiều trường tư mở ra với nhiều ưu đãi cho phụ huynh và học sinh lựa chọn. Ở đây, theo bà Thuỷ phần lớn vẫn chỉ là cuộc đua giữa các trường tư với nhau, hiếm có sự cạnh tranh với trường công lập nguyên nhân là bởi trường công và tư là hai nhóm phụ huynh có nhu cầu khác nhau.
Đối mặt với những khó khăn những người làm giáo dục muốn đi xa cần phải giữ cái tâm cho mình “Điều đầu tiên khi các nhà đầu tư đến với nhau phải xác định ngay từ đầu giữa lợi nhuận và giáo dục chúng ta chọn cái gì? Cân bằng giữa kinh doanh và chất lượng chăm sóc, giáo dục ra sao?”, bà Thuỷ phân tích.
Tuy nhiên, nếu giữ nguyên giá trị cốt lõi sẽ là phương án để các cở sở giáo dục tồn tại bởi khi phụ huynh thấy con họ được chăm sóc và giáo dục ở điều kiện tốt nhất ở mức kinh phí phù hợp thì thương hiệu sẽ được lan toả.
Bà Đoàn Thị Bích Thuỷ chia sẻ: “Ở những năm đầu sẽ vẫn gặp khó khăn về tài chính nhưng dần dần chắc chắn sẽ tự dung hoà được. Phụ huynh bây giờ rất thông thái, họ nhìn thấy và hiểu được các cơ sở giáo dục có thực sự có tâm hay không?”
Không thay đổi sẽ không còn ai đầu tư cho giáo dục
Không chỉ khó khăn về tài chính, các nhà đầu tư khi tham gia thị trường cũng gặp không ít trở ngại về pháp lý. Để làm rõ hơn những rào cản này, bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Giáo dục EQuest đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin.
Cho rằng nhu cầu về việc có cơ sở vật chất của đơn vị này là rất lớn, nhưng chỉ riêng việc tìm đất giáo dục đã vô cùng khó khăn. “Việc đầu tiên chúng tôi cần làm là tìm những mảnh đất giáo dục để xây trường, nhưng ngay việc đầu tiên này đã gặp khó khăn vì thông tin không được công khai, rất vất vả để có được thông tin”, bà Hoa cho biết.
Thứ hai, đại diện đơn vị này cũng bày tỏ hiện nay chi phí nhận chuyển nhượng đất giáo dục quá cao và không phù hợp với những nhà đàu tư thuần giáo dục. Bà Trần Phương Hoa bày tỏ: “Nhiều lô đất giáo dục được giao theo chủ trương xã hội hoá gần như là miễn phí ban đầu tuy nhiên nhiều chủ đầu tư sau khi giao đất lại không triển khai xây dựng để hoang và chờ giá lên”.
Hiện tại đất giáo dục đã lên đến từ 8 – 10 triệu/m2, thậm chí hơn, dẫn đến một mảnh đất giáo dục có giá hàng trăm tỷ đồng, “Điều này trở thành rào cản lớn cho những nhà đầu tư cho giáo dục như chúng tôi”, bà Hoa bày tỏ.
Còn chưa kể những chi phí khác như suất đầu tư xây dựng, nội thất, dạy hoc,… có nghĩa để xây dựng một trường học các nhà đầu tư cần bỏ ra khoảng 200 – 300 tỷ đồng.
Kèm theo đó nhiều mảnh đất giáo dục được quy hoạch từ rất xa xưa theo mạng lưới cố định và chưa linh hoạt và hiện tại không còn phù hợp với cầu thực tiễn của của thị trường.
“Chúng tôi gặp phải nhiều trường hợp, theo quy hoạch khu vực chỉ có trường mầm non, trong khi nhu cầu của thị trường lại là trường THPT. Mầm non chỉ có 200-300 học sinh, nhưng ai sẽ bỏ ra 200-300 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường. Điều này cho thấy rằng đất thì thừa và nhu cầu lớn nhưng liệu ai có thể đầu tư được giáo dục, vì đây là bài toán kinh tế không hiệu quả”, bà Hoa băn khoăn.
Xem thêm: Phát triển giáo dục tư nhân [Bài 1]: Thị trường rộng mở