Phát triển giáo dục tư nhân [Bài 3]: Cơ chế nào cho nhà đầu tư?

Phát triển giáo dục tư nhân [Bài 3]: Cơ chế nào cho nhà đầu tư?

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 6, 17/03/2023 06:00

Chuyên gia cho rằng mặc dù khuyến khích xã hội hoá giáo dục nhưng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản trong quy định.

Những năm gần đây, thị trường giáo dục tư nhân của Việt Nam được quan tâm rất lớn bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Việt Nam là nơi tiềm năng để phát triển giáo dục tư nhân, khi GDP tăng mỗi năm và chính trị ổn định, cùng với đó nhu cầu tiếp cận phương pháp giáo dục mới ở Việt Nam rất cao.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khi đến với thị trường Việt Nam hiện nay đó là hành lang pháp lý, cùng với đó là những băn khoăn của người học về việc liệu giáo dục tư nhân có hướng tới giá trị là đào tạo con người.

Cần tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS.Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thực trạng giáo dục tư nhân hiện nay. TS.Lê Viết Khuyến đánh giá có một thực tế rất rõ ràng là ngay cả ở những nước giàu có, Nhà nước cũng không thể đầu tư tối đa vào giáo dục, ở mọi cấp độ, để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân.

Do đó, cần có sự chia sẻ chi phí từ phía xã hội. Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tế Việt nam hiện nay đòi hỏi Nhà nước phải kiên trì chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, thông qua hai giải pháp tự chủ hóa tối đa về mặt tài chính đối với hệ thống trường công lập hiện tại và mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập.

Giáo dục - Phát triển giáo dục tư nhân [Bài 3]: Cơ chế nào cho nhà đầu tư?

TS.Lê Viết Khuyến cho rằng giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân.

“Trong điều kiện cụ thể nước ta, chúng ta nên có quan điểm xem giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân. Cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa”, ông Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Cùng với đó, khi ra đời các trường ngoài công lập, không chỉ mục đích xã hội hoá. Chuyên gia cho rằng thành lập các trường tư nhằm đối trọng về chất lượng đào tạo trong hệ thống, và rõ ràng thấy được trong các bảng xếp hạng của thế giới trường tư thường xếp hạng cao hơn trường công.

Tuy nhiên, chủ trương là vậy nhưng đến nay nếu chỉ tính sinh viên đại học là khoảng 185 sinh viên nhập học/vạn dân, tính cả cao đẳng có 200 sinh viên nhập học/vạn dân, thấp hơn nhiều so với các nước. “Nhắc lại con số này để thấy được vì do chính sách của Nhà nước không đạt điều kiện thuận lợi thực hiện, có những lúc thì mở có những lúc đóng nên rất khó khăn trong quá trình mở trường nhân rộng quy mô đào tạo.

Các nhà đầu tư có xu hướng mua lại các trường tư hơn là xin thành lập trường mới, bởi mua lại có ít tốn kém hơn. Mua trường mới tốn kém lắm, không thể đáp ứng được yêu cầu đề ra”, TS.Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Chuyên gia phân tích, cho tới nay, chủ trương về xã hội hóa giáo dục thể hiện qua Nghị quyết 05/2005/NQ-CP và Nghị quyết số 29/NQ-TW đều rất chính xác.

Tuy nhiên, các chính sách ban hành nói chung còn thiếu, thậm chí còn mâu thuẫn. Để huy động được đông đảo người dân tham gia, người dân mong đợi một hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định và minh bạch. Tuy nhiên mong đợi đó còn chưa được đáp ứng.

Có thể lấy một ví dụ khái niệm về trường dân lập đã bị thay đổi đến 3 lần (ở các Quyết định 196 của Bộ GD&ĐT, Quy chế 86 của Thủ tướng và ở Luật Giáo dục 2005). Tính chất sở hữu của trường dân lập khi thành lập được xác định theo văn bản này nhưng khi chuyển loại hình sau đó lại phải xác lập lại theo một văn bản khác.

Giáo dục - Phát triển giáo dục tư nhân [Bài 3]: Cơ chế nào cho nhà đầu tư? (Hình 2).

Cần có những cơ chế phù hợp để phát triển giáo dục tư nhân (Ảnh: Hữu Thắng).

Một ví dụ khác chuyên gia chỉ ra Nghị quyết 05 khẳng định Nhà nước chấp nhận cả 2 loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trong đó khuyến khích trường không vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm Nhà nước chỉ ban hành quy chế cho loại trường vì lợi nhuận, đến nỗi cho tới nay ở Việt Nam vẫn chưa hề có một trường tư thục không vì lợi nhuận đích thực nào. Ngoài ra các trường ngoài công lập cũng rất lo ngại về “chính sách mở trên khép dưới” dẫn tới kết cục là chỉ cần một câu trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là đã vô hiệu hoá hoàn toàn quyền tự chủ của các trường đã được định chế ở những văn bản cấp cao hơn.

Các yêu cầu cho việc hình thành trường ngoài công lập quá ngặt nghèo, rất không thực tế, vượt xa những yêu cầu như vậy đối với chính các trường công lập.

Giải pháp cho vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến cho biết: “Để khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển giáo dục ngoài công lập, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chí thực tế hơn, chí ít là cũng giống với các trường công lập mới được thành lập. Những tiêu chí đáng lẽ cần ưu tiên quan tâm ngay từ đầu  là chất lượng cao (thông qua kết quả giám sát, kiểm định) và sự minh bạch về tài chính”.

Muốn đi xa phải “đi bằng hai chân”

Ở khía cạnh chuyên môn, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho rằng để phát triển người làm giáo dục tư nhân phải “đi bằng hai chân”.

Ở đây, ông Đức cho rằng tạo cơ hội cho giáo dục tư nhân là cần thiết bởi nguồn lực đất nước ta còn hạn chế, vẫn chưa thể bao cấp hoàn toàn cho giáo dục. Vì vậy để tránh giáo dục bị kìm hãm khó đột phát thì xã hội hoá giáo dục là điều tất yếu phải xảy ra.

Ngoài ra, các trường ngoài công lập có tính cá thể hoá, giáo viên quan tâm được đến từng em, điều này khó có thể thực hiện ở các trường công lập.

Chủ trương xã hội hoá giáo dục nói nhiều nhưng chỉ được ở thành phố lớn, “Ngay như Thái Nguyên có gần 40 đơn vị ngoài công lập nhưng tập trung phần lớn ở mầm non và 1 đơn vị liên cấp”, ông Đức chia sẻ.

Nguyên nhân một phần do trước đây trường ngoài công lập có cơ hội phát triển khi trường công lập không đáp ứng được nhu cầu học sinh. Nhưng bây giờ, có đủ trường công lập nên dẫn đến các trường ngoài công lập khó phát triển.

Giáo dục - Phát triển giáo dục tư nhân [Bài 3]: Cơ chế nào cho nhà đầu tư? (Hình 3).

Nên có những mô hình tư nhân phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nhận định nhu cầu trong tương lai, ông Đức đánh giá: “Tôi nghĩ trong vài năm tới nhu cầu học ngoài công lập tại Thái Nguyên sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho những ai tham gia vào hoạt động này. Đây là nhu cầu thực tế”.  Nhưng cũng cần phải phụ thuộc vào thu nhập của người dân, nếu chúng ta đầu tư nhưng bà con không có tiềm lực thì rất khó phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Đức có một thực trạng đang diễn ra khi chuyển từ học ngoài công lập sang trường công lập là việc phụ huynh sốc trước việc con mình học đuối hơn với các bạn. Lý do là bởi phần lớn các trường tư nhân hiện nay đang thiên về đào tạo kỹ năng, tư duy không tập trung kiến thức.

“Ngoài kỹ năng khối tư nhân cần phải đầu tư hơn vào đào tạo kiến thức, rèn tính kỷ luật cho học sinh. Mặc dù việc đào tạo theo mô hình phương tây là lý tưởng nhưng cần đồng bộ với trình độ kinh tế xã hội, nhận thức của người dân”, ông Đức bày tỏ. Để có một môi trường tốt nhất cần phải vừa đào tạo kiến thức, vừa trang bị cho học sinh phẩm chất, kỹ năng.

Các trường vẫn đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất thay vì quan tâm đến chương trình đào tạo phù hợp, theo ông Đức nên có sự định hướng phát triển chung của hai hệ thống trường nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa các bên. Điều quan trọng của giáo dục là phải làm cho chất lượng học sinh tăng lên, chất lượng đầu vào thấp nhưng đầu ra cao.

Công Luân - Hoa Trà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.