Môn tiếng Anh trong Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh "học đến đâu, thực hành đến đó", ứng dụng ngay vào các tình huống giao tiếp hàng ngày ở trường và ở nhà. Sự thay đổi này nhằm đáp ứng xu thế chung của thế giới, giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu, tăng tính thực hành, giảm tải lý thuyết trong việc học ngoại ngữ.
Để theo kịp yêu cầu, các bộ sách giáo khoa tiếng Anh hiện hành cũng nhanh chóng đổi mới, thay đổi cách tiếp cận xây dựng mạch nội dung. Đánh giá về những thay đổi trong nội dung giảng dạy môn tiếng Anh hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, cô giáo Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang chia sẻ các cuốn sách giáo khoa tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thiết kế chú trọng phát triển đầy đủ 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đặc biệt, là hình thành sự tự tin trong giao tiếp thay vì chỉ nặng về từ vựng, ngữ pháp như trước kia.
"Trong quá trình giảng dạy, các bài học được thiết kế tạo điều kiện cho học sinh được học tập, giải quyết các dự án học tập theo cặp, nhóm. Khi tăng cơ hội tương tác với bạn bè và thầy cô, xử lý các thông tin chắc chắn là khả năng giao tiếp sẽ được nâng cao.
Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng vào những kỹ năng, các nội dung trong sách giáo khoa mới còn trang bị các kiến thức về đất nước, con người, giao lưu với các nền văn hóa của một số quốc gia trên thế giới", cô Phạm Thị Liên cho hay.
Nội dung bài học hiện đại, phản ánh những vấn đề toàn cầu, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện. Các tác giả cuốn sách đã chọn các chủ đề gần gũi, tạo sự hứng thú cho người học như các nội dung liên quan đến công nghệ, giải quyết các vấn đề toàn cầu, giao tiếp liên văn hóa…
Sau mỗi chủ đề học tập, cũng được thiết kế các câu hỏi để người học có thể ôn lại kiến thức, phát triển khả năng tư duy phản biện. Xây dựng những câu hỏi gợi mở để các em khám phá, tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề của cuộc sống. Thông qua giải quyết vấn đề, học sinh có cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân và khả năng thuyết phục người khác bằng các lập luận, dẫn chứng cụ thể.
Từ đây, biến việc học tiếng Anh không chỉ dừng lại ở một ngôn ngữ mà còn trang bị những năng lực, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm, khám phá nền tri thức của thế giới.
Trải nghiệm các bộ sách giáo khoa tiếng Anh trong quá trình ôn tập cho học sinh, cô giáo Nguyễn Minh Oanh – Giáo viên luyện thi tiếng Anh tại Hà Nội cũng nhận thấy nội dung sách giáo khoa mới phù hợp, đáp ứng các chuẩn quốc tế, hỗ trợ cho học sinh, có những kiến thức cơ bản để ôn tập luyện thi những chứng chỉ tiếng Anh.
"Đáp ứng chương trình mới, thay đổi cách học tiếng Anh nhiều năm qua nặng nghề ngữ pháp, nhưng học sinh lại thiếu khả năng giáo tiếp. Nội dung sách giáo khoa hiện nay có tính ứng dụng cao hơn, yêu cầu các em phải biết vận dụng linh hoạt và thực hành ngay ngoại ngữ sau mỗi bài học. Điều này là phù hợp, bởi khi có luyện tập, có môi trường trao đổi là cách nhanh nhất để học sinh nâng cao trình độ tiếng Anh", cô giáo Nguyễn Minh Oanh chia sẻ.
Ngoài ra, sách giáo khoa tiếng Anh mới được đầu tư thiết kế hình ảnh sống động, gần gũi, có tính logic, dễ hiểu. Từ đó, giúp học sinh và giáo viên dễ dàng nắm bắt từ vựng, ngữ pháp, phát âm, và chuyển hóa vào các hoạt động kỹ năng nghe – nói - đọc - viết.
Là bộ sách giáo khoa Tiếng Anh đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng tại các nhà trường phổ thông Việt Nam, bộ sách Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh và Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của quốc gia với tiêu chí "Chuẩn mực - Khoa học - Hiện đại".
Phát triển ngôn ngữ tiếng Anh cho học sinh phổ thông đã được đội ngũ tác giả bộ sách quan tâm và chú trọng thực hiện, thể hiện thông qua các nguyên tắc và phương pháp biên soạn bộ sách hướng tới phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh.
Tiến trình bài học được thiết kế khoa học, dễ triển khai và đều hướng tới mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh thông qua các năng lực thành phần: năng lực ngôn ngữ, năng lực diễn ngôn, năng lực hành động, năng lực chiến thuật giao tiếp hay năng lực văn hóa xã hội.