Nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập, Bộ GD&ĐT vừa có Công văn chỉ đạo các địa phương tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.
Sự kiện nhằm mong muốn đẩy mạnh vai trò của hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến đọc đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên và người dân.
Từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp, đa dạng hóa các hình thức học tập. Trong đó, đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp.
Năm nay, chủ đề của tuần lễ được lựa chọn là "Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời", được diễn ra từ ngày 1/10/2024 đến ngày 7/10/2024.
Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương có thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
Treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cơ sở giáo dục, các công xưởng, nhà máy, văn phòng, cơ quan và nơi công cộng.
Tuy nhiên, cần triển khai các hoạt động của tuần lễ với các hình thức phù hợp, hiệu quả. Chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, đưa chủ đề của tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực.
Tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả, thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận. Phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình.
Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa/giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục. Khuyến khích học sinh, sinh viên đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.