Phạt vượt đèn đỏ cao hơn cả một tháng lương tối thiểu
Theo đó, đối với các hành vi vượt đèn đỏ (khi đèn giao thông đã chuyển sang tín hiệu đỏ nhưng người điều khiển phương tiện không dừng trước vạch dừng mà vẫn đi ), chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h; không tuân thủ quy định về dừng đỗ xe tại nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, dừng đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt sẽ đồng loạt tăng mức xử phạt tiền từ 800.000 - 1.2 triệu đồng.
Hành vi không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông cũng sẽ bị xử phạt cùng mức từ 800.000 – 1,2 triệu đồng.
Như vậy, nếu so sánh mức phạt trên với quy định về mức lương tối thiểu chung vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 thì quy định về xử phạt hành vi vượt đèn đỏ, không chấp hành tín hiệu và hiệu lệnh của người điều khiển giao thông còn cao hơn một tháng lương tối thiểu. Theo Nghị định 63/2013/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu chung là 1.150.000 đồng. Mức lương này thấp hơn 50.000 đồng so với mức phạt mà Bộ giao thông vận tải đề xuất xử phạt cho một hành vi vi phạm.
Giả thiết, một người tham gia giao thông có mức lương bằng hoặc hơn mức lương tối thiểu chung thì chỉ với một lần vi phạm vào những quy định trên của ngành giao thông, rõ ràng trong tháng đó người này sẽ không có lương, thậm chí không đủ tiền để nộp phạt.
“Đinh tặc”, “hôi của” sẽ bị xử phạt đến 8 triệu đồng
Dự thảo Nghị định lần này quy định mức tiền phạt từ 5-8 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông
Mức xử phạt đối với hành vi “hôi của” cản trở xử lý tai nạn giao thông cũng được tương đương với mức xử phạt đối với hành vi rải đinh, ném định hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản qua đường gây nguy hiểm trực tiếp tới người và phương tiện tham gia giao thông. Ném gạch, đất, đá hoặc vật khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, cả hai hành vi “hôi của” và rải đinh của “đinh tặc” từng gây bức xúc trong dự luận đều đã được Bộ giao thông vận tải ghi nhận trong Nghị định xử phạt như là một biện pháp răn đe.
Băng Tâm