Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng hãng CNN (Hoa Kỳ) coi đây là “phiên tòa thế kỷ”, còn dư luận thật sự háo hức trước sự cởi mở của Tòa án Trung cấp Tế Nam, tỉnh Sơn Đông khi thông tin chi tiết diễn biến phiên tòa được công khai trên mạng Weibo và cuộc thẩm vấn gay cấn với nhiều thông tin nhạy cảm lần đầu tiên được công bố…
Nhìn từ góc độ tố tụng hình sự, tôi cảm nhận phiên tòa xét xử vụ án Bạc Hy Lai có nhiều điểm mới, khác với cách tổ chức phiên tòa hình sự ở nước ta, rất đáng để tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Sự khác biệt đầu tiên thể hiện ở cách bài trí phiên tòa trang trọng, nghiêm túc, chỗ ngồi tạo vị thế bình đẳng, đối diện nhau giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, có khu vực dành riêng cho bị cáo ngồi trả lời thẩm vấn cách ly so với những người dự khán phiên tòa.
Phiên tòa xử Bạc Hy Lai đã bước sang ngày thứ 5 (26/8/2013)- Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong phòng xử, tất cả các công tố viên và luật sư bào chữa đều được phép sử dụng máy vi tính và dùng slide với kỹ thuật đánh dấu trên từng bản cung, tài liệu, hình ảnh… nhằm chứng minh hành vi bị coi là tội phạm và các bằng chứng gỡ tội. Người ta đã thấy bà Cốc Khai Lai trình bày lời khai qua băng video, hình ảnh ngôi biệt thự sang trọng được xác định là tài sản nhận hối lộ của tỷ phú Từ Minh ở Cannes (Pháp), các khoản tiền được chuyển qua tài khoản để thanh toán tiền mua vé máy bay, chi phí khách sạn cũng được đánh dấu trên slide khi chiếu lên màn hình lớn…
Trang mạng Weibo của Tòa án Tế Nam tuy chưa phản ánh hết toàn bộ các chi tiết, diễn biến của phiên tòa, nhưng đã mô tả quá trình thẩm vấn do chủ tọa điều hành, tạo điều kiện cho các công tố viên, các luật sư, kể cả cho bị cáo được quyền đặt câu hỏi và chất vấn nhân chứng trong quá trình đối chất công khai tại phiên tòa. Người ta dễ dàng nhận thấy, phiên tòa diễn ra công khai, bộc lộ tất cả những chiều sâu nhất không chỉ mang tính hấp dẫn, kịch tính của vụ án, mà còn phản ánh trạng thái tâm lý, những thân phận, mọi hỷ nộ ái ố trong chính trường và đời thường.
Điều dễ nhận thấy là bị cáo chính có cơ hội được phản bác toàn bộ những lời cáo buộc với một trạng thái bình tĩnh và cơ sở lý lẽ nhất định, được trình bày lý do vì sao thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra, đặc biệt là được đặt câu hỏi với những nhân chứng quan trọng nhất trong phiên đối chất công khai tại tòa…
Đó có thể là kết quả bước chuyển biến rõ nét trong mô hình tố tụng hình sự của Trung Quốc, thể hiện trong BLTTHS (sửa đổi) được thông qua vào tháng 3/2012. Theo điều 182 của Bộ luật này, ngay từ trước khi mở phiên toà, Thẩm phán có thể làm việc với Kiểm sát viên, đương sự và người bào chữa, người đại diện tố tụng để tìm hiểu tình hình và lấy ý kiến về những vấn đề có liên quan đến công tác xét xử như vấn đề người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, danh sách người làm chứng tại phiên toà, vấn đề loại trừ chứng cứ không hợp pháp...
Điều đáng chú ý là chủ tọa đóng vai trò điều khiển phiên tòa, có thể hỏi bị cáo, nhưng phần thẩm vấn chủ yếu diễn ra bởi công tố viên và luật sư bào chữa, kể cả người bị hại, nguyên đơn dân sự và người đại diện tố tụng có thể đặt câu hỏi đối với bị cáo khi được chủ tọa phiên tòa cho phépnhư được quy định tại điều 186 Bộ luật này.
Phiên tòa cũng đã mô tả trên thực tế quy định tại điều 187, nếu công tố viên, các bên đương sự hoặc người bào chữa, người đại diện tố tụng có nhiều ý kiến khác nhau về lời khai của nhân chứng,quan điểm và kết quả giám định, mànhững lời khai, kết quả giám địnhđó sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc định tội, định hình phạt vàTòa án cũng nhận thấy tính cần thiết của việc nhân chứng, giám định viênxuất hiện tại phiên tòa, thì nhân chứng và giám định viên sẽ được triệu tập ra tòa.
Điểm đặc biệt, theo quy định tại các điều từ 190 đến 193, công tố viên, người bào chữa phải đưa các chứng cứ ra trình bày tại phiên tòa để các bên đương sự nhận dạng. Biên bản lấy lời khai của nhân chứng không tới dự phiên toà, ý kiến giám định của người giám định, biên bản khám nghiệm và các văn bản có giá trị chứng cứ khác đều phải được đọc tại phiên toà.
Trong quá trình điều tra tính xác thực chứng cứ, Toà án có thể tiến hành các biện pháp khám nghiệm, kiểm tra, niêm phong, tịch biên, giám định và xét hỏi, kê biêntài sản…Các tình tiết, chứng cứ có liên quan đến việc định tội, định hình phạt đều phải được điều tra công khai và biện luận. Khi được Chủ toạ phiên toà cho phép, công tốviên, các bên đương sự và người bào chữa, người đại diện tố tụng có thể phát biểu ý kiến và tranh luận với nhau về chứng cứ và tình hình vụ án.
Người ta cũng đã nhìn thấy vị trí của Thư ký Tòa án ngồi quay lưng lại Hội đồng xét xử và đối diện với bị cáo để ghi chép biên bản phiên tòa. Điều 201 của BLTTHS Trung Quốc có quy định, phần ghi lời khai của nhân chứng trong biên bản phiên tòa phải được đọc ngay tại phiên tòa hoặc đưa cho nhân chứng xem. Sau khi nhân chứng thừa nhận không có sai sót gì thì nhân chứng phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.
Biên bản phiên tòa phải được đưa cho các bên đương sự đọc hoặc đọc tại phiên tòa cho các bên đương sự nghe. Nếu các bên đương sự cho rằng biên bản có sai sót thì có thể đề nghị bổ sung hoặc sửa đổi. Sau khi các bên đương sự thừa nhận không có sai sót gì thì phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản…
Theo Cổng thông tin Liên Đoàn luật sư Việt Nam