PHÓ BÍ THƯ ĐẢNG ỦY MANG QUÂN HÀM XANH, ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG BIÊN
Cán bộ Bộ đội Biên phòng đảm nhận vị trí Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới đã mang luồng sinh khí mới trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào.
Đổi thay vùng biên giới nhờ chuyển dịch cây trồng phù hợp
Những tháng cuối năm, dù bận rộn với nhiều lịch công tác, nhưng Thượng tá Trần Xuân Hiểu, Phó Bí thư tăng cường xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn sắp xếp thời gian xuống bản Pa Ca để giúp người dân kiểm tra, đánh giá năng suất mùa lạc.
Bản Pa Ca, một bản làng nằm sát đường vành đai biên giới Việt – Lào, trước đây được biết đến là bản làng nghèo và khó khăn nhất của xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn.
Thế nhưng, giờ đây cuộc sống của người dân đang ngày càng đổi mới nhờ sự đầu tư của Nhà nước. Tuyến đường bê tông dài hơn 5km nối Quốc lộ 7A đi vào bản đã giúp bà con đi lại dễ dàng hơn.
Đặc biệt, những vùng đất khô cằn sau nhiều năm trồng lúa rẫy, nay đã được người dân thay bằng rất nhiều diện tích cây lạc, một loại cây trồng mới được chính quyền địa phương vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi, thay thế từ 3 năm nay.
"Tập quán canh tác của người dân trước đây chủ yếu là trồng lúa rẫy và chăn nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không được cao. Để giúp bà con tạo sinh kế lâu dài, có nguồn thu nhập cao hơn, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Cắn đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng cây lạc", Thượng tá Trần Xuân Hiểu cho biết.
Cây lạc được trồng nhiều ở các bản dọc tuyến biên giới của xã Nậm Cắn như Khánh Thành, Pa Ca. Nhờ thời tiết thuận lợi và thổ nhưỡng phù hợp, cây lạc phát triển tốt, bà con chuẩn bị vào vụ thu hoạch, ước tính năng suất đạt khoảng 4 - 5 tạ/ha mỗi năm.
Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thượng tá Trần Xuân Hiểu cho biết thêm, xã Nậm Cắn là nơi có đông đồng bào dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú sinh sống. Vì vậy, khi được phân công về đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư phụ trách lĩnh vực quốc phòng an ninh, tham gia giúp địa phương phát triển kinh tế, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn do sự khác biệt về phong cách làm việc cũng như rào cản ngôn ngữ.
Bản thân anh đã phải nỗ lực để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cách tăng cường gần gũi nhân dân, học tiếng nói, tìm hiểu phong tục của đồng bào.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác, Thượng tá Trần Xuân Hiểu đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp ủy Ban Chỉ huy đơn vị xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở thôn, bản.
Cũng nhờ vậy, ngoài việc phát triển kinh tế, tình hình an ninh trật tự cũng giảm hẳn. Nậm Cắn cũng là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận biên giới sạch về ma tuý vào cuối năm 2022, và hiện đang nỗ lực triển khai các giải pháp "giữ sạch" địa bàn.
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn Lê Hồng Lập cho biết, từ khi địa phương được tăng cường Phó Bí thư là cán bộ biên phòng về công tác, với sự nhiệt tình, cách làm khoa học, sáng tạo đã tạo một luồng gió mới góp phần tăng thêm sức mạnh cho những địa phương vùng biên.
"Phó Bí thư tăng cường giúp nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, góp phần tạo chuyển biến tích cực về mọi mặt tại các địa bàn khu vực biên giới", đại diện Đảng uỷ xã Nậm Cắn nói.
Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Xác định một trong những "lực cản" việc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực miền Tây Nghệ An chính là tư duy trông chờ ỷ lại của bà con dân tộc thiểu số và một phần cán bộ nơi đây.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của các cán bộ Biên phòng khi nhận nhiệm vụ Phó Bí thư tăng cường là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả các chương trình 135, 167, 30A của Chính phủ và các đề án phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế ở từng địa bàn.
Năm 2012, Trung tá Hồ Xuân Tuyến được cử làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, huyện Tương Dương, nơi chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cao.
Tam Quang là địa bàn vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện 30A, với 5 dân tộc anh em Thái, Kinh, Khơ mú, Tày Poọng và Đan Lai cùng sinh sống.
Nhân dân sinh sống chủ yếu dựa vào lao động nông nghiệp. Bước đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã Tam Quang gặp rất nhiều khó khăn, do điểm xuất phát quá thấp.
Để thay đổi, Trung tá Hồ Xuân Tuyến đã không ngại khó khăn vất vả, thường xuyên bám nắm cơ sở, đến từng bản làng, đặc biệt là các bản, các hộ nghèo vùng sâu biên giới để tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh gia đình.
Anh nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời động viên, hướng dẫn hộ nghèo tìm cách tháo gỡ khó khăn, vay vốn sản xuất phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, từng bước tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Như bản Tùng Hương, ngoài trồng rừng, anh còn vận động người dân trồng sắn nguyên liệu, nên nhiều hộ có thêm thu nhập 10-15 triệu đồng từ cây sắn.
Hay bản Tân Hương ngoài trồng lúa nước, phát triển du lịch sinh thái, người dân còn chăn nuôi gia súc, gia cầm giống bản địa…
Nhờ đó, đến năm 2017, Tam Quang về đích nông thôn mới khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,18%. Đây là xã 135 miền núi biên giới đầu tiên ở Nghệ An về đích nông thôn mới, trước 3 năm so với kế hoạch.
Vì thế, khi cấp trên có ý định điều chuyển đồng chí công tác khác, địa phương đã đề nghị Trung tá Hồ Xuân Tuyến ở lại tiếp tục cùng giúp sức xây dựng Tam Quang hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Tương Dương Lữ Văn May cho biết, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tích cực phối hợp với địa phương thực hiện "3 bám, 4 cùng", giúp đỡ, hỗ trợ người dân trên địa bàn đóng quân phát triển các mô hình kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân – dân keo sơn, bền chặt.
"Trong đó, các Phó Bí thư tăng cường mang quân hàm xanh đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời đã trực tiếp vận động "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn bà con thực hiện, không trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước.
Nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, làm thay đổi hẳn đời sống người dân trên địa bàn", Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Tương Dương nói.
Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang duy trì và thực hiện tốt 60 mô hình "Dân vận khéo", bao gồm 40 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 13 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội; 4 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; 3 mô hình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Phó Bí thư Đảng ủy mang quân hàm xanh - Bài 2: Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc