Làm sao để có thể kết hợp uyển chuyển giữa hai ngòi bút trong một con người; giữa sự nhanh nhạy, cập nhật của báo chí với sự thâm trầm, tinh tế của văn chương? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện thú vị với Thượng tá, nhà thơ, nhà báo Phạm Khải, Phó Tổng biên tập báo CAND, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương.
PV: Được biết, ông có thơ đăng báo từ năm 16 tuổi và đến 23 tuổi thì cho xuất bản tập thơ đầu tay. Gắn bó với thơ ca như vậy, từ đâu ông chuyển sang làm báo? Và ở môi trường mới, để “thích nghi”, ông có phải “điều chỉnh con người thơ ca” của mình nhiều không?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải: Con đường đến với báo chí của tôi khác với rất nhiều bạn trẻ thời nay. Thường thì các bạn học về báo chí, rồi sau ra trường xin về công tác tại các cơ quan báo chí.
Tôi vốn học trường Viết văn và nơi tôi về công tác ban đầu là hội Văn nghệ Hà Nội, kế đó là Nhà xuất bản CAND. Năm 2000, tôi chuyển về công tác tại báo An ninh Thế giới (nay là báo CAND) theo lời “gọi” của nhà văn Hữu Ước, khi ấy là Tổng Biên tập. Tôi nhớ, khi anh Ước đặt vấn đề với tôi, anh chỉ nói ngắn gọn thế này thôi: “Mày về đây làm báo với anh. Anh em mình cùng tay dao tay thớt - vừa viết văn, vừa làm báo”. Trước đấy, tôi đã viết, in tới cả ngàn bài trên khắp các báo ở Trung ương và Hà Nội. Từng có thời, có tới cả chục đơn vị báo chí, số nào tôi cũng có bài; mà việc cộng tác này kéo dài trong nhiều năm liền. Tôi viết báo thoạt đầu cũng do “ngứa nghề”, thấy có vấn đề mình quan tâm, cần lên tiếng thì viết. Sau thành thói quen và cũng vì mưu sinh nữa. Ở tuổi hai mươi, nhuận bút là một vấn đề rất thiết yếu (cười). Nhờ nó, cuộc sống của mình cũng không... “đến nỗi”.
Trở lại với điểm chính trong câu hỏi của bạn. Nói “thích nghi” thì nghe to tát quá. Tôi nghĩ, trong mỗi con người có thể hội tụ nhiều khả năng, chỉ cần ta rạch ròi, tách bạch từng phần việc thì mọi thứ sẽ tốt thôi. Vả chăng, khi về An ninh thế giới, như đã nói, tôi đã có tới cả ngàn bài được đăng, nên về là đá “chân giày” luôn, không phải loay hoay tìm hiểu để “thích nghi” gì. Tất nhiên môi trường công an cũng có khác bên ngoài, song cái chính tôi là người rất ý thức về việc “nhập gia tùy tục”.
Thực tâm tôi luôn nghĩ, việc làm thơ là việc riêng của mình, ai chia sẻ được thì quý, còn không thì mình vẫn lặng lẽ làm thôi. Còn làm báo là việc gắn với chức trách của mình, gắn với cơ quan, với những công việc cụ thể thường nhật. Chính bởi thế mà ở cơ quan, rất hiếm khi tôi thể hiện mình là một... nhà thơ. Thế mới có chuyện vui, trong buổi liên hoan văn nghệ tổ chức tại cơ quan, anh chị em phóng viên trẻ “nhớ” ra tôi là nhà thơ đã đề nghị tôi đọc tặng mọi người một bài. Hôm ấy, tôi chọn đọc bài “Mười bảy tuổi”. Tôi vừa đọc được hai câu thì thấy một số bạn trẻ ở dưới ồ lên, rồi các bạn này đọc luôn những câu mà tôi... sắp đọc. Có bạn bày tỏ sự ngạc nhiên: “Bọn em thuộc bài thơ này từ thời sinh viên. Cứ tưởng của tác giả Phạm Khải nào, giờ mới biết là của Phạm Khải cơ quan ta”.
PV: Theo ông, việc làm báo có ảnh hưởng bất lợi gì tới việc làm thơ không? Và ảnh hưởng ra sao?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải: Sòng phẳng mà nói, cũng có ảnh hưởng đấy. Cứ xem, có tác giả trẻ nổi tiếng về thơ như thế, vậy mà xoay sang làm báo, được một thời gian là... mất hút. Nhưng đó cũng là chuyện bình thường. Cái gì cũng có giá của nó. Mỗi người phải tự lựa chọn cái gì phù hợp hơn cả với khả năng của mình. Tôi nghĩ, không phải vì làm báo mất thời gian nên không có thời gian dành cho thơ, mà cái chính là làm thơ và làm báo đòi hỏi tư duy khác nhau. Cách sống và phương thức viết cũng khác nhau. Người làm thơ cần có sự tĩnh tâm nhất định, lối sống cũng phải “chậm lại”, trong khi người làm báo lại phải nhanh nhạy, “tốc độ”. Rồi cách thức làm ra sản phẩm cũng vậy. Nói một cách hình tượng thì cùng là đi bắt cá, người làm thơ thì giống như người đi câu; còn người làm báo giống như người dùng máy hút cạn ao hồ để bắt cá. Đánh bắt kiểu ấy thì thế nào cũng có sản phẩm, còn người đi câu thì chưa chắc... Với quan điểm như vậy nên tôi luôn phân định rạch ròi đâu là ranh giới của các thể loại; kiên quyết không để nhầm lẫn chức năng của báo chí với thơ ca. Và tôi chỉ làm thơ khi có những điều không thể chuyển tải được bằng một thể loại khác.
PV: Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có lời khuyên nào dành cho các nhà báo trẻ?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải: Nếu được phép có một lời khuyên, tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ làm báo thế này: Theo đuổi lĩnh vực nào cũng mong các bạn cố gắng am tường về lĩnh vực đó; trở thành một “chuyên gia” của lĩnh vực đó càng tốt. Bởi nếu không hiểu biết, tác nghiệp rất khó. Ngay như thực hiện một cuộc phỏng vấn, nếu không có kiến thức nhất định, bạn sẽ loay hoay không biết nên đặt câu hỏi thế nào. Thậm chí khó tạo cảm giác thân thiện, cởi mở với người mình đối thoại; chưa kể ngay cả khi “ghi lại” rồi, nếu không hiểu biết cũng chưa chắc “ghi” được chính xác. Người phỏng vấn giỏi khác với một cái máy ghi âm thuần túy là ở chỗ ấy. Bên cạnh đó, làm nghề này các bạn phải thật đam mê, tâm huyết. Viết vì nhuận bút cũng được, nhưng đó không phải là tất cả. Chẳng giấu gì các bạn, ở tuổi này, in tới vài ba ngàn bài rồi, vậy mà trước mỗi bài được in, tôi vẫn có cảm giác hân hoan, vẫn đọc lại một lượt bài được in từ dòng đầu tới dòng cuối. In sai hoặc sửa sai của tôi một chữ là tôi biết ngay. Trong khi, tôi thấy không ít bạn trẻ, bài in ra họ chỉ “ngó lơ” một cái để biết mà lĩnh nhuận bút, không cần đọc lại lấy một lần xem biên tập viên người ta sửa thế nào để rồi rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ, cách làm việc thuần túy vì mưu sinh như vậy rất khó giúp mình tiến bộ.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.
Xem thêm:
Có tình trạng báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt
Hoàng Bích - Mai Hằng