Vào thời điểm giao mùa, tình trạng bệnh nhi phải nằm ghép 3-4 trẻ/giường ở Bệnh viện Nhi không phải là hiếm.
Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cho biết, hiện tại mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận 7.000 bệnh nhi đến khám trong đó có 2.000 trẻ cần phải nhập viện.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM mỗi ngày có 7.000 bệnh nhi đến khám trong đó Khoa hô hấp tiếp nhận 300 trẻ.
Số bệnh nhi tăng đột biến lúc giao mùa. Ảnh: internet.
Theo các bác sĩ thì khi thời tiết thay đổi, nó ảnh hưởng trực tiếp tới da và đường hô hấp. Khi trời se lạnh hơn, không khí vào đường thở của bé không được sưởi ấm (do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn), trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp, dễ bị nhiễm virus hơn.
Những triệu chứng báo hiệu cơ thể có thể bị tác động của thời tiết như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt sống, ho khan hoặc khò khè, buồn nôn,...
Để phòng tránh bệnh cho trẻ, bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh ghi nhớ các biện pháp sau:
Uống nước thường xuyên và bổ sung vitamin C để ngăn ngừa cảm cúm
Trong thời điểm giao mùa muốn cho cơ thể luôn có sức đề kháng tốt, không thể vắng mặt thành phần của nước. Lượng nước cơ thể cần bổ sung mỗi ngày trung bình cần khoảng 8 ly, nhưng con số này có thể dao động phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thói quen luyện tập...
Vitamin C hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể, vitamin C còn có thể đẩy các chất có hại ra ngoài tế bào bạch huyết, phục hồi khả năng các tế bào bị thương tổn. Lúc bị cảm hoặc bị sốt, nồng độ vitamin C trong tế bào bạch huyết sẽ giảm thấp. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm: cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh vân vân.
Bổ sung vitamin C là cách làm phổ biến để tăng sức đề kháng cho bé. Ảnh: Internet.
Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm, vitamin A
Kẽm có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của vi-rút cảm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể, được đặt cho biệt danh “khắc tinh của vi-rút”.
Thực phẩm chứa kẽm bao gồm: con hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng...
Vitamin A có thể ổn định màng tế bào da trên cơ thể, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể thiếu vitamin A, khả năng chống lại vi-rút của các tế bào cũng giảm đi, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp cũng theo đó yếu đi, một khi bị vi-rút, vi khuẩn tấn công thì rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm cà rốt, gan động vật, thịt đỏ, rau ngót, đu đủ…
Thêm tỏi vào bữa ăn gia đình
Tỏi được coi là “vua” của các loại gia vị vì nó có tác dụng phòng ngừa cảm cúm và chứa những hợp chất “đánh bại” các tế bào ung thư nguy hiểm như ung thư da, ruột, vú và dạ dày.
Đông y còn sử dụng tỏi như một vị thuốc để điều hòa huyết áp, chống mất ngủ, giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp…
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân và chăm sóc răng miệng tốt
Virus cảm lạnh và cảm cúm dễ lây lan nhất khi tiếp xúc trực tiếp với những vật trong nhà như điện thoại, điều khiển ti vi, điều khiển điều hòa hoặc khi hắt xì. Rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa cũng sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Giúp bé từ bỏ ngay những thói quen ảnh hưởng xấu đến răng để vi khuẩn không có cơ hội ảnh hưởng sâu hơn đến sức khỏe của bé.
Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc
Điều chỉnh đồng hồ sinh học cho khớp với môi trường bên ngoài giúp bé khỏe khoắn hơn trong mùa thu. Buổi sáng nên ra ngoài 5 phút để thực sự tỉnh táo và để cơ thể được tắm nắng ban mai khoảng nửa tiếng. Hai, ba tiếng trước khi đi ngủ, nên tránh ánh sáng mạnh bởi chúng có thể trì hoãn cơn buồn ngủ. Các mẹ nên gọi con dậy trước giờ đi học ít nhất một tiếng đồng hồ và những ngày con được nghỉ, không nên cho con ngủ trưa quá nhiều vì khi dậy, trẻ dễ có dấu hiệu mệt mỏi.
Ngọc Linh