Phong tục lạ người Châu Ro chuẩn bị đón Tết trước 5 tháng

Phong tục lạ người Châu Ro chuẩn bị đón Tết trước 5 tháng

Hoàng Văn Hưng

Hoàng Văn Hưng

Chủ nhật, 23/01/2022 06:00

Vào dịp cuối năm, người đồng bào dân tộc Châu Ro ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại tất bật với công việc dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết, độc đáo nhất là ẩm thực.

Bánh kép, thịt nướng, cơm lam… ngày Tết

Người đồng bào dân tộc Châu Ro sống chủ yếu tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Đức, một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ. Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, PV Người Đưa Tin có dịp về thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, nơi tập trung đông người Châu Ro sinh sống từ lâu đời và cũng là nơi còn lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực độc đáo riêng biệt dịp Tết Nguyên đán.

Trải qua quãng đường hơn 20km đi từ Tp.Bà Rịa về huyện Châu Đức, PV tìm đến Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh tại thôn Tân Châu và may mắn gặp chị Dương Thị Triên, 43 tuổi, người dân tộc Châu Ro, Phó Chủ nhiệm thường trực nhà văn hóa.

Chị Triên cho biết, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị đón một cái Tết đầy đủ và theo phong tục, trước Tết 5 tháng, bà con dân tộc Châu Ro đã nuôi lợn, gà và chuẩn bị gạo, nếp để dành riêng cho ngày Tết.

Đến tầm 22 tháng Chạp, hầu hết các gia đình đều gác lại công việc làm ăn, tập trung về Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh cùng nhau làm các món ăn truyền thống đón Tết, đó là bánh kép, cơm lam và các món thịt nướng… Đặc biệt, tại đây họ cùng nhau soạn mâm cơm cúng tổ tiên đêm Giao thừa và đầu năm mới.

Văn hoá - Phong tục lạ người Châu Ro chuẩn bị đón Tết trước 5 tháng

Người đồng bào Châu Ro cùng nhau gói bánh kép truyền thống đón Tết Nguyên Đán, tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh.

Theo lời kể của chị Triên, bánh kép, cơm lam và thịt nướng trên bếp than hồng là món ăn đặc trưng ngày Tết của người dân tộc Châu Ro với truyền thống đã có từ lâu đời. Bánh kép được gói bằng lá dong, bên trong là nếp pha lẫn đậu phộng và không có nhân ở giữa. Mỗi một chiếc bánh dài khoảng 20cm, sau đó được buộc đôi lại với nhau nên gọi là bánh kép (bánh ghép hay bánh kẹp).

“Bánh kép thể hiện cho sự sung túc, có đôi - có cặp. Ngoài ý nghĩa cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, bánh kép còn thể hiện sự hiếu thuận của những người con dành đến cha mẹ, của những người đang sống gửi người đã khuất.

Trong ngày cuối cùng của năm cũ, hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị lá dong, lạt, gạo, nếp để gói bánh kép, nấu cơm lam và làm các món thịt nướng. Trong mâm cúng tổ tiên của người Châu Ro không thể thiếu những món ăn này”, chị Triên chia sẻ.

Theo những người phụ nữ Châu Ro lớn tuổi, để có được món bánh kép “xịn đét”, họ phải chuẩn bị loại gạo nếp ngon nhất sau mùa thu hoạch. Bước tiếp theo sẽ ngâm đậu phộng, tiếp đó là công đoạn dùng lá dong đã hơ qua lửa và lau sạch để gói bánh. Bánh sau khi chín sẽ được gia chủ chọn những cặp đẹp nhất sắp lên mâm cúng Tết cùng với thịt nướng, cơm lam và rượu.

Món cơm lam của người Châu Ro được làm như người dân tộc Thái, gạo nếp được ngâm ủ qua đêm cho vào từng ống tre, còn gọi là “pngá”, thêm nước vừa đủ và bịt nút lại bằng lá chuối hoặc lá dong rồi đưa lên bếp củi đốt cho đến khi vỏ ống nứa cháy sém lan tỏa mùi thơm từ gạo, ống nứa không còn nước là chín. Người dân tộc Châu Ro quan niệm, cơm lam là một món ăn giản dị, độc đáo và mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người đồng bào, nó thể hiện ý tưởng về sự hòa quyện giữa nước, lửa và những ống dứa non trên rừng.

Văn hoá - Phong tục lạ người Châu Ro chuẩn bị đón Tết trước 5 tháng (Hình 2).

Cơm lam - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Châu Ro.

Theo chị Triên, một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người đồng bào Châu Ro đó là các loại thịt trâu, gà, vịt… nướng trên bếp than hồng. Lúc này, mọi người cùng nhau quây quần bên bếp lửa vừa uống rượu vừa thưởng thức món thịt nướng để tăng thêm hương vị đậm đà, thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng

“Mỗi tộc người đều có những nét văn hóa, phong tục và ẩm thực riêng. Đối với người Châu Ro thì món ăn, mâm cúng ngày Tết được chuẩn bị không quá cầu kỳ, nhưng vẫn thể hiện được bản sắc riêng, luôn để lại ấn tượng khó phai cho những ai đã từng được thưởng thức”, chị Triên cho hay.

Chia sẻ thêm với PV, chị Triên cho biết trang phục đón Tết ngày xưa của phụ nữ Châu Ro là quấn váy, đàn ông đóng khố. Áo của người Chơ Ro là loại áo chui đầu, trời lạnh có tấm vải choàng. Tuy nhiên, ngày nay phần lớn người Châu Ro mặc áo quần như người Kinh, chỉ sử dụng các bộ trang phục truyền thống trong các lễ hội.

Văn hóa thờ cúng vạn vật

Trong các ngày lễ lớn của người Châu Ro, ngoài ăn Tết Nguyên Đán, họ còn có Lễ hội SaYangVa hay còn gọi là lễ hội mừng lúa mới. Đây là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Châu Ro được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch, sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng.

Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết, với quan niệm vạn vật hữu linh, người Châu Ro có niềm tin và tôn thờ các thần linh (Yang) gắn với các hiện tượng thiên nhiên, sự vật gần gũi trong cuộc sống như Thần Lúa (YangVa), Thần Rừng (YangVri), Thần Nhà (YangNhi)…

Lễ hội SaYangVa được đồng bào Châu Ro tổ chức hằng năm như một “món ăn” tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng. Mục đích là để tạ ơn Thần lúa đã ban phúc cho gia đình một mùa bội thu.

“Truyền thống của người Châu Ro ở huyện Châu Đức có từ lâu đời trong lịch sử tộc người, được sản sinh từ môi trường nông nghiệp gắn với phương thức sản xuất nương rẫy, có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của từng cá nhân và cộng đồng người Châu Ro ở đây”, ông Lộc cho biết.

Văn hoá - Phong tục lạ người Châu Ro chuẩn bị đón Tết trước 5 tháng (Hình 3).

Các chàng trai, cô gái người đồng bào Châu Ro với trang phục truyền thông trong các ngày lễ hội.

Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Châu Đức, hiện nay có 1.267 hộ gia đình dân tộc Châu Ro, với 5.131 nhân khẩu, chiếm 3,55% tổng số dân toàn huyện. Đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống tập trung ở thị trấn Ngãi Giao, xã Đá Bạc, xã Bàu Chinh, xã Bình Ba…

Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Bí thư huyện ủy Châu Đức cho biết, trước kia trong các lễ hội chỉ có đồng bào người Châu Ro tham dự. Những năm sau này, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng, lễ hội được mở rộng hơn trong cộng đồng và thu hút nhiều người dân địa phương tham gia.

Điều này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Ðồng thời, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chung sức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng

Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 28 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 31.700 người, chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người dân tộc Châu Ro (tên gọi khác: Chơ Ro, Chrau Jro, Đơ-Ro…) chiếm số lượng đông thứ hai, sau dân tộc Hoa.

Có thể nói, đồng bào người Châu Ro có nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền. Để những phong tục tập quán ấy không bị mai một, những năm qua địa phương đang từng bước xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu những truyền thống văn hóa của đồng bào Châu Ro đến với du khách.

H.H

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.