Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, giáo viên dạy tiếng Anh tại trung tâm Mun Art Academy tại TP.Đà Nẵng đã trình báo cơ quan chức năng, về việc bị phụ huynh Ng.Th.Tr.Th. có hành vi bạo lực và đe dọa ngay tại trường.
Được biết sự việc hành hung này xảy ra vào ngày 12/12, khi nhà trường tổ chức buổi đối thoại giữa ban Giám đốc với bà Th., khi vị phụ huynh này cho rằng, nhà trường bỏ rơi con mình trong buổi biểu diễn nghệ thuật nhân ngày 20/11.
Theo bà Th., nhà trường “đã không giải trình được con tôi ở đâu và làm gì trong 2 giờ đồng hồ, khi tôi yêu cầu kiểm tra camera thì trường lại không có, con tôi đã bị bỏ quên..., nếu có sự cố thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.
Phía nhà trường cho biết, do cháu bé nhút nhát nên không chịu tham gia và suốt 2 giờ đó, cháu chơi ngoài sân trường, có bảo vệ canh giữ...
Ngay tại cuộc họp, phụ huynh Th. đã dùng mạng xã hội livestream. Cuối cuộc họp, giáo viên Hằng bị bà Th. tát thẳng vào mặt và có lời nói đe dọa.
Hiện, cơ quan pháp luật của TP.Đà Nẵng đang tổ chức tìm hiểu sự việc và làm rõ có không hành vi hành hung, làm nhục người khác theo đơn tố cáo của giáo viên Nguyễn Thị Thanh Hằng.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ tâm lý học Thái Phác Ngô Toàn.
Chào ông, từ sự việc khiến dư luận phẫn nộ tại TP.Đà Nẵng, ông có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh và thầy cô hiện nay?
Vụ việc tương tự đã từng xảy ra 3 năm trước, cùng nơi chốn; hàm ý một cái gì vừa như sự bắt chước và lặp lại thừa thãi nhờ lợi thế truyền thông hiện đại, vừa bộc lộ rõ ràng xu hướng ứng xử bạo lực tựa cách đối phó với những bất mãn tràn bờ, phản ánh bất công xã hội sâu sắc.
Và nói nhiều hơn cùng hết thảy chúng ta về trạng thái bất lực nên xung hấn bị động hẳn còn kéo dài chưa dứt.
Từ sự việc này, nhiều người cho rằng đang có sự đổ vỡ trong quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Điều này được ông nhận xét thế nào?
Dường như bây giờ, giáo viên bị mất quyền tự chủ, tự quyết trong chính môi trường làm việc của mình. Họ không còn sở hữu và chủ động ứng xử với công việc được giao trọng trách.
Chính vì thế, một hiện tượng rất dễ thấy là các trường lắp camera và cho rằng đó là dân chủ, công khai, giám sát tốt hơn.
Nhưng về phía nghiệp vụ thì điều này có vẻ như đang phản sư phạm. Bởi vì, người giáo viên sẽ bị biến thành diễn viên trong lớp học chứ không còn sáng tạo, tự nhiên nữa.
Với sự có mặt của camera và thoải mái đưa ra đánh giá, các phụ huynh đang dần lạm quyền mà không hay biết.
Về mặt xã hội học, cần có ranh giới để chúng ta được là chính mình. Nếu ranh giới trong đời sống bị xâm phạm, chúng ta sẽ không biết mình là ai và vô tinh hay cố ý tác động đến cuộc đời của người khác. Từ đó, xã hội bị rối loạn, nhiễu nhương.
Như vậy, có vẻ niềm tin giữa hai bên đang đứng trước thách thức không nhỏ?
Người ta có xu hướng chỉ nhìn thấy điều mình muốn mà bỏ qua phía ngược lại.
Phụ huynh luôn nghĩ rằng giáo viên phải phục vụ, chăm sóc con họ chứ không hề đặt ngang hàng, tôn trọng thầy cô như một thành phần cùng mình giáo dục đứa trẻ. Các giáo viên cũng mặc định rằng phụ huynh rất ghê gớm, mình chỉ đi làm thuê mà thôi.
Điều này khá rõ ràng đối với các giáo viên mầm non khi lúc nào cũng thấy các cô cười toe toét. Vì các giáo viên này được căn dặn rằng, nếu không cười thì sẽ bị phụ huynh đánh giá là không nhiệt tình. Cứ như vậy lâu ngày trở thành phản xạ có điều kiện.
Vì thế, giải pháp cho vấn đề này là giáo viên cần được đào tạo về trí tuệ cảm xúc để nhận diện, điều chỉnh chính mình. Và trong tương quan giữa giáo viên và phụ huynh, trong thiết chế trường học, cần trao lại quyền tự quyết cho các thầy cô khi đứng lớp.
Cảm ơn ông!