Trong một nghiên cứu mới đây được thực hiện với chuột, những con chuột mẹ ăn loại thức ăn không tốt cho sức khỏe trước và trong khi mang thai sinh ra những lứa chuột con có trái tim không khỏe mạnh.
Đáng ngạc nhiên, những vấn đề sức khỏe này kéo dài ít nhất ba thế hệ, ngay cả khi những con chuột này không bị béo phì và có chế độ ăn theo tiêu chuẩn của chuột.
Nhóm nghiên cứu từ Trường Y thuộc Viện Đại học Washington ở St Louis cho biết những phát hiện của họ cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng khỏe mạnh của thai phụ cả trước khi mang thai và khi mang thai.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết lứa chuột con sinh ra từ chuột mẹ béo phì đều có sự gia tăng trọng lượng của tâm thất trái, nơi có nhiệm vụ bơm máu ra khỏi tim.
Ở người, trọng lượng tâm thất trái quá mức thường là dấu hiệu của cơ tim yếu, có thể dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các vấn đề về tim ít rõ ràng hơn ở con cái của thế hệ chuột nhỏ.
Tác giả đồng cấp, Tiến sĩ Abhinav Diwan, Phó giáo sư y khoa tại Viện Đại học Washington, cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là các bất thường về tim dường như dần biến mất qua các thế hệ”.
Ông cũng cho hay: “Cũng có những khác biệt trong trái tim của nam giới và nữ giới mà chúng ta chưa thể giải thích. Nghiên cứu này bằng nhiều cách đã đưa ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời cho vấn đề chúng tôi đặt ra và chúng tôi dự định tiếp tục nghiên cứu những con chuột này để giúp trả lời chúng”.
Do thay đổi biểu sinh của DNA trong trứng
Để xem liệu vấn đề là do bản thân chuột mẹ béo phì hay hệ thống sinh sản của chúng, nhóm nghiên cứu đã cấy trứng đã thụ tinh từ những con chuột béo phì vào những con chuột có cân nặng bình thường.
Tuy nhiên, những chú chuột con này có cùng các vấn đề về tim, điều này cho thấy các vấn đề sức khỏe là từ trứng chứ không phải từ các yếu tố môi trường.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những vấn đề về tim này không chỉ truyền sang theo con đường từ mẹ sang con.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng những con chuột giống đực béo phì, cho giao phối với chuột cái được cho ăn chế độ ăn tiêu chuẩn, thì cũng tạo ra những lứa chuột con có cùng các vấn đề về tim.
Những thay đổi được thấy cụ thể ở ty thể, những “trạm năng lượng” nhỏ, cung cấp nhiên liệu cho các tế bào.
Theo Tổ chức Bệnh ty thể Hoa Kỳ, điều này thật đáng ngạc nhiên bởi vì, ít nhất là ở người, tất cả các bệnh di truyền từ mẹ đều là rối loạn ty thể, do DNA ty thể chỉ được truyền đi từ người mẹ.
Tiến sĩ Kelle Moley, giáo sư sản khoa tại Đại học Washington cho biết “Chúng ta biết rằng chứng béo phì ở các chuột mẹ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim cho chuột con. Bây giờ chúng tôi đã chứng minh rằng những chuột bố mắc chứng béo phì cũng làm cho thế hệ con sau này của chúng mắc các vấn đề tương tự. Chúng tôi phải bắt đầu nghiên cứu những thay đổi của DNA trong nhân trong của cả trứng và tinh trùng để đảm bảo chúng tôi hiểu tất cả các yếu tố nguyên nhân”.
Nhóm nghiên cứu tin rằng các vấn đề với ty thể của tim là do thay đổi biểu sinh trong DNA trong trứng của chuột mẹ béo phì.
Di truyền học biểu sinh (ngoại di truyền học) là nghiên cứu về các đặc điểm di truyền được mang bên ngoài bộ gen.
Họ tin rằng những thay đổi này sau đó được đưa vào tế bào của tất cả con cái, nam hay nữ.
Các nhà nghiên cứu đang bắt đầu lên kế hoạch bắt đầu các nghiên cứu mới, nhưng nhấn mạnh rằng phụ nữ phải có thói quen sống lành mạnh trước và trong khi mang thai.
Cần chế độ ăn uống lành mạnh
Tác giả đầu tiên Tiến sĩ Jeremie Ferey, một học giả nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Washington đưa ra câu hỏi cũng có thể là băn khoăn của nhiều người: “Tôi có thể làm gì nếu bà tôi hay cụ tôi bị béo phì?”. Bà cho rằng “chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu liệu có thể đảo ngược những khiếm khuyết của ty thể này hay không, nhưng nói chung, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh luôn quan trọng đối với sức khỏe của tim”.
Phụ nữ trước và sau khi mang thai cần có chế độ ăn hợp lý.
Trước khi mang thai:
- Cần dành 30 phút thể dục hằng ngày
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
- Bổ sung thêm sắt, axit folic: có trong các thực phẩm như rau ngót, rau muống, thịt bò, cá biển...
- Ăn nhiều rau quả, các chất dinh dưỡng, hạn chế chất béo và đường
Trong thai kỳ:
- Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi theo lời khuyên của bác sĩ
- Chế độ ăn đồ ngọt và chất béo phải được kiểm soát
- Vận động nhẹ hằng ngày
- Tránh các chất kích thích
- Khám thai định kỳ
Hạnh Mỹ (dịch)