Có một loại cây quen thuộc rất nhiều người lớn lên ở vùng nông thôn đều đã từng gặp. Trẻ em thường hay hái chúng và xem như một món đồ chơi, nhưng người lớn lại rất khó chịu vì chúng rất "dính", chỉ không cẩn thận một chút thôi là ngay lập tức sẽ bám vào quần áo gỡ mãi không ra.
Loại cây mà chúng ta đang nhắc đến có tên là thương nhĩ. Ở Việt Nam, chúng được biết tới với tên gọi là “ké đầu ngựa”. Lý do chúng rất dễ “mắc kẹt” trên quần áo của mọi người đó là bởi quả của chúng có mọc những chiếc gai có móc, có thể bám vào lông động vật để phát tán.
Từ lâu nay quả gai bị người dân nông thôn chê phiền, vì nghĩ đây là loại cây dại, không có tác dụng gì, nhưng thực tế, thương nhĩ lại là một kho báu ngầm, chúng có thể được dùng làm thuốc, có tác dụng trong phòng chống dị ứng, chống viêm, chữa mụn nhọt, lở loét, mề đay, bướu cổ, đau khớp, tay chân đau co rút, đau đầu, đau họng, lỵ…
Đặc biệt, khi ngậm nước sắc từ quả có thể chữa đau răng, chữa nấm tóc, hắc lào… rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Cũng chính vì có nhiều tác dụng như vậy nên thương nhĩ sau khi gia công có giá rất đắt, nên ở Trung Quốc loại quả này có thể lên tới 500 nhân dân tệ một kg (khoảng 1,7 triệu đồng).
Với cái tên mĩ miều "thương nhĩ" ắt hẳn nhiều người ở Việt Nam không biết loại quả này còn được gọi là quả ké đầu ngựa.
Loại cây mọc dại rất nhiều ở các vùng nông thôn, miền núi. Quả này khiến nhiều người khó chịu do chúng có nhiều gai móc.
Ở các vùng quê, cây ké đầu ngựa mọc hoang ở khắp nơi, thường thấy ở các bãi đất hoang, bờ ruộng. Đó là một loài cây nhỏ, cao độ 1-2m, thân màu lục có khía rãnh, đôi khi có chấm màu nâu tía. Lá mọc so le, phiến lá có hình gần tam giác, chia thành 3-5 thùy, có lông ngắn cứng, mép khía răng cưa. Quả hình thoi, có gai móc.
Lợi ích cây dại "ké đầu ngựa" làm vị thuốc
Thương nhĩ tử là vị thuốc từ quả đã phơi hoặc sấy khô của cây ké đầu ngựa.
Theo Đông y quả ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) có vị cay, đắng, tính ấm, hơi có độc, vào kinh Phế; có tác dụng tán phong, trừ thấp, thông mũi, giảm đau đầu; thường dùng để chữa viêm mũi xoang như: Chảy nước mũi trong và hắt hơi, ngạt mũi; bệnh phong hàn thấp tý (phong thấp đau nhức); mẩn ngứa ngoài da...
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, thương nhĩ tử có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, chống dị ứng ...
Để làm thuốc: Hái lấy quả phơi khô. Khi dùng sao chín già, bỏ hết gai hoặc tẩm rượu đồ chín.
- Chữa bệnh ngoài da do dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: Dùng toàn cây khô nấu cao mềm, hòa nước uống ngày 6-8g. Uống liên tục 1 tháng.
Hoặc lấy toàn cây trừ rễ, nấu cao đặc, tán bột, hoàn viên. Ngày uống 3 lần. Mỗi lần 15g.
- Chữa viêm khớp dạng thấp, cứng khớp: Thương nhĩ tử (quả ké) nấu nước uống. Lá ké giã nhỏ tẩm rượu đắp ngoài.
Trúc Chi (t/h)