Đó là ông Trần Đức Mô (SN 1945, trú tại xóm 2, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Với tài ý đức của mình người dân nơi đây đặt cho ông nhiều biệt danh khá trìu mến như: “Thầy cụt tay”, “Lão Mô bốc thuốc”, “Ông Mô bụt”.
Lão Mô cụt
Tìm đến căn nhà nhỏ nằm ẩn sâu trong con ngõ nhỏ được bê tông hoá, chạy quanh co nơi lão Mô đang sinh sống. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi gặp lão khi lão đang dùng hai khuỷu tay của mình tì chặt vào chiếc khăn mặt treo trên dây phơi để lau mồ hôi.
Mất đi đôi bàn tay dấu yêu trong một tai nạn, nhưng với nghị lực phi thường, lão Mô đã vượt lên chính mình để gắn bó với cuộc sống
Ông Trần Đức Mô sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng quê chiêm trũng. Là con trai thứ 3 trong gia đình có 12 anh chị em cũng không lấy gì là đầy đủ cho lắm. Nhưng ngay từ thủa nhỏ cậu bé Mô đã bộc lỗ là một người thông minh, sáng dạ hơn bạn bè cùng trang lứa.
Khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, đánh giặc Mĩ cứu nước. Ông được biên chế trong trung đoàn 218, đoàn cao xạ bảo vệ sân bay Thủ đô, sau một thời gian ông chuyển sang đoàn tên lửa trung đoàn 285. Trong những năm tháng trong quân đội, ông đã lập nhiều chiến công hiểm hách, được đơn vị khen thưởng nhiều lần.
Do sức khoẻ yếu, ông rời quân ngũ về quê làm công nhân. Năm 1970 ông kết duyên với bà Trần Thị Nguyệt người cùng thôn. Và năm 1973 ông quyết định theo học tại trường trung cấp xây dựng Nam Định. Sau khi hoàn thành khoá học nhờ học giỏi, kiến thức uyên thâm nên nhà trường đã giữ ông ở lại làm giảng viên.
Sau 4 năm công tác, ông xin chuyển ra làm việc cho công ty công nghệ thực phẩm Hà Nam Ninh. Nhờ có kiến thức trong xây dựng, cũng như năng lực bản thân, ông được lãnh đạo công ty cho phụ trách xây dựng cơ bản của công ty. Lúc này còn đường thành công đang dần hiện trước mắt. Nhưng một tai nạn bất ngờ ập đến với ông.
Ông đam mê nghiên cứu các loại sách về đông y
“Tháng 7 năm 1985. Tôi nhớ hôm đó là chủ nhật, tôi được nghỉ. Đúng hôm ấy nhà anh bạn cùng công ty tôi làm nhà. Tôi đến giúp, trong khi đang mải uốn sắt, thì có tiếng gọi đưa thành sắt lến mái nhà. Không để ý, thanh sắt đã vướng phải dây điện cao thế nên tôi bị điện giật, bỏng rất nặng ở hai cánh tay”, ông Mô bùi ngùi kể lại.
Mọi người đã đưa ông vào bệnh viện 1 Nam Định chữa trị. Nhưng gần nửa tháng bệnh không thuyên giảm, 2 cánh tay có biểu hiện thối rữa. Được các bác sĩ nơi đây chuyển ông lên bệnh viện 103 trong tình trạng nguy kịch. Để cứu tính mạng của ông, các bác sĩ ở đây đã phải cắt đi tôi tay quý giá của ông vì đã bị hoại tử.
Tỉnh dậy với nỗi đau thể xác, nhưng nỗi đau về tinh thần thì thật kinh khủng. Đôi tay lành lặn mới ngày nào ông chiến đấu với giặc Mĩ, ngày nào ông còn cầm bút,… giờ đây đã không còn.
Cái suy nghĩ là người khuyết tật, là người vô dụng khiến ông cảm thấy cuộc sống của mình lúc đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Sống cũng không bằng chết và nếu sống chỉ làm khổ vợ con.
“Cuộc sống của tôi lúc ấy như sụp đổ tất cả. Tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong. Hằng đêm tôi dằn vặt, đầu óc nung đến nỗi sút cả chục kg” ông Mô tâm sự.
Mất đi đôi tay, ông trở về quê với người tàn phế. Cuộc sống bì bách vô cùng. Mọi giấc mơ của ông đều tan thành mây khói. Nhìn vợ con, ông chí biết rớt nước mắt vì lúc này 3 người con của ông còn quá nhỏ.
Nhưng được sự quan tâm chăm sóc của người thân trong gia đình, lão Mô cũng nhận ra một điều rằng cuộc sống này không thể thiếu ông. Nếu ông có chết đi thì để lại nỗi đau vô cùng to lớn cho vợ ông, con ông. Ai nuôi, chăm sóc con ông được. Thế là ý chí của ông đã lấn át cái suy nghĩ tiêu cực mà ngày nào ông cũng cảm thấy có lỗi với gia đình.
Làm thơ bốc thuốc cứu người
Thời gian đầu khi rời giường bệnh, ông rất khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày. Nhưng với ý chí quyết tâm sống, quyết tâm làm một người tàn nhưng không phế, ông đã tự mình tập luyện làm nhiều việc. Chưa đầy 2 tháng ông đã có thể dùng xẻng xới vườn, trồng rau và làm nhiều việc khác.
Với 2 khửu tay còn lại, ông tự mày mò bào chế ra các phương thuốc hữu hiệu chữa bệnh cho mọi người
Và từ khi người em trai của ông từ TP Hồ Chí Minh ra thăm ông, thấy anh trại mình như vậy, người em đã mua và tặng anh ít sách “đông y” đọc cho đỡ buồn khi ở nhà.
Duyên bén nghiệp, sau khi đọc kỹ các sách về đông y, ông tiếp tục đi đến các hiệu thuốc đông y để tìm hiểu. Sau khi đã có đủ kiến thức từ sách vở lẫn thực tế, ông đã tự bốc thuốc thử cho mình.
“Lúc ấy ngươi dân làng biết mình đọc sách đông y và muốn làm nghề thầy thuốc ai cũng nói tôi là gàn dở, làm không được việc gì còn đòi làm thấy thuốc, rồi những lời nói dèm pha, chê bai tôi đều bỏ qua tất cả để nghiên cứu thêm các bài thuốc do chính tôi bào chế”, ông Mô cho biết.
Tháng 6/1986 với niềm đam mê cùng với sự lỗ lực bản thân, ông Mô đã bào chế ra nhiều bài thuốc chữa nhiều bệnh như cảm cúm, kiết lỵ, dạ dày, gan… của riêng mình.
Ban đầu, ông chỉ chữa trị cho những người trong gia đình, người thân và những người nghèo quanh vùng. Ông đều chữa miễn phí, với các bài thuốc hữu dụng của ông đã được người dân nơi đây tin tưởng.
Nhiều loại thuốc đôi bàn tay cụt của ông bào chế được dân trong vùng tin tưởng
Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân quanh vùng tìm đến nhà ông nhờ giúp đỡ. Những người nghèo ông chữa miễn phí. Có người hoàn cảnh khó khăn ông còn cho thêm lộ phí đi đường bởi ông luôn tâm niệm ông làm phúc cứu người chứ không ham danh lợi gì. Người thầy thuốc luôn đặt chữ đạo đức lên hàng đầu.
Nhiều người ông Mô chữa không lấy tiền mà bệnh tình của họ lại khỏi, nhớ ơn thầy thuốc họ mang trứng gà, chuối,… biếu ông để cảm tạ tấm lòng cao thượng của thầy thuốc khuyết tật. Niềm vui ấy càng cho ông thêm một động lực trong công việc và cuộc sống.
Điều làm nhiều người cảm phục ông là các loại thuốc đều do đôi tay đã cụt của mình tạo ra. Ông Mô chia sẻ: “Tôi dùng đầu khuỷu tay tán thuốc, ban đầu cực kì đau và khó chịu. Nhưng dần già cùng quen. Tôi đi mua các loại thảo dược, lá thuốc về sau đó cùng vợ và các con xử lý theo phương thức của tôi. Phơi khô, tán nhỏ và vo tròn thành viên,… đều tự tay gia đình tôi làm”.
Nhiều tác phẩm văn thơ ra đời từ đôi bàn tay cụt này. Và không ít trong số đó đã đạt giải cao trong các cuộc bình chọn
Ngoài danh là một thầy thuốc giỏi, ông Mô còn nổi tiếng với người đời là một nhà văn, nhà thơ. Hồi tưởng về những tháng ngày nằm giường bệnh, ông đã cho ra đời những bài văn, bài thơ mà khi mỗi người đọc đều cảm nhận sự ấm áp, bịnh dị của tác giả. Cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống đời thường đầy cao thượng.
Để cho ra đời những bài văn thơ hay, ông đã tự mình cầm bút, tự mình tập luyện bằng cách dùng hai khuỷu tay kẹp chặt lấy chiếc bút nhỏ để viết. Ban đầu những dòng chữ chỉ nguệch ngoặc nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Ông hàng ngày cứ tập luyện say mê rồi cũng đến ngày thành thạo. Những dòng chữ của ông rất đẹp.
Năm 2000, ông đoạt giải khuyến khích với truyện ngắn “Bến Lỡ”, do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam trao tặng với bút danh “Từ Thiết Linh”. Cũng năm đó, Từ Thiết Linh với tập truyện ký "Tôi là công nhân" đã đoạt giải nhất văn xuôi trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, do Liên đoàn Lao động và Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam tổ chức năm 1999 - 2000.
Rồi lần lượt các tập thơ, truyện ngắn ra đời như: Miền quê trăn trở (2004), Dòng đời rong đuổi (2008), Hương đất (2009). Hiện ông là hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam.
Đoàn Tân - Phan Thiên