Quán phở độc nhất vô nhị ở Thủ đô

Quán phở độc nhất vô nhị ở Thủ đô

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Nằm khiêm tốn trong căn nhà nhỏ trên con phố Bát Đàn (Hoàn Kiếm Hà Nội), quán phở 49 Bát Đàn lúc nào cũng nhộn nhịp khách ra vào.

Nhìn bên ngoài, quán không khác gì với các quán ăn xung quanh đó. Cửa tiệm nhỏ với vài bộ bàn ghế, nồi nước dùng bốc khói nghi ngút và những tảng thịt bò to treo trên giá. Nhưng bên trong quán, dòng người đông đúc, xếp hàng để đợi đến lượt. Tất cả mọi người đều nhẫn nại, nhích từng bước chân, cố gắng để có thể mua được bát phở.

Xã hội - Quán phở độc nhất vô nhị ở Thủ đô

Bà chủ Xuân lúc nào cũng bận rộn trong quán phở của mình

Phở ở đây không cầu kì, phức tạp với các món phụ đi kèm (giá đỗ, rau thơm...) như ở Sài Gòn mà giản dị, mộc mạc. Bác Sơn - một khách sành ăn phở cho biết, nhìn tưởng đơn giản, nhưng để làm được bát phở như ở đây rất khó. Nước dùng phía dưới phải trong, còn phía trên phải có màu vàng hổ phách, trông thật sánh. Nước phải vừa và ngọt, nhưng không được có mùi ngậy của thịt và xương bò.

Thịt bò ở đây rất mềm và thơm. Điều lạ là thịt được nấu theo quy trình đặc biệt. Ăn vào khó cảm nhận rõ sự khác biệt giữa độ mềm của thịt và độ dai của gân. Tất cả hợp lại, ăn cùng với bánh phở trắng tinh, thơm mùi gạo nếp thì rất tuyệt. Bánh phở giòn, thơm kết hợp với độ thanh, ngọt của nước dùng và sự béo mềm của miếng thịt, chính là sức hút diệu kì, khiến cho ai một lần ăn cũng phải nhớ mãi không quên.

Nhưng có lẽ, mọi người tìm đến đây còn vì những nguyên nhân khác. Họ đến để nhớ về những ngày xưa đã xa lắc, những kỉ niệm thời bao cấp giờ chỉ còn trong kí ức. Mọi người gọi quán phở này là "phở chờ". Nhìn dòng người xếp hàng đợi đến lượt, những người đã có những năm tháng không thể nào quên với một thời gian khó của đất nước hẳn phải rất bùi ngùi. Thời ấy, ăn phở xếp hàng là hình ảnh quen thuộc của Hà Nội.

Cô Xuân - chủ quán cho biết, nghề bán phở là do các cụ truyền lại. Cụ ông trước là người Nam Định, theo gia đình lên Hà Nội bán phở quanh nhà máy nước công cộng Bát Đàn. Đến năm 1981, cụ chuyển về bán ở phố Hàng Đồng. Khi cụ mất, con cháu không muốn thất truyền nghề của gia đình, nên dù vất vả nhưng anh em bảo nhau cố theo. Từ năm 1990, cô tách ra mở quán ở 49 Bát Đàn. Còn người con dâu của cụ tiếp tục bán ở phố Hàng Đồng.

Từ thời bao cấp, người Hà Nội đã rất quen với gánh phở của gia đình cô Xuân. Từ đó đến nay, xã hội đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, con người cũng đổi khác, nhưng quán phở 49 Bát Đàn vẫn không xa lạ với người dân Thủ đô. Hễ ai có đi xa về gần hay có khách tới chơi, mọi người đều dẫn khách ra đây để thưởng thức đặc sản Hà Nội. Bác Bình (Trần Nhân Tông - Hà Nội) cho biết, đến đây ăn phở ngoài thưởng thức hương vị của món ăn ngon, còn là dịp được sống lại những kí ức của một thời. Những năm đó, tuy đất nước khó khăn nhưng đã để lại trong lòng người dân Thủ đô bao kỉ niệm sâu sắc.

Mấy chục năm đã trôi qua từ ngày một mình tách quán, cô Xuân vẫn không có ý định mở rộng hay "tân trang" lại quán ăn của mình. Mọi thứ dường như không thay đổi ở đây. Tất cả như trầm ngâm, lặng lẽ và thản nhiên trong thời đại con người ngày càng xô bồ, náo nhiệt. Ấy vậy mà, thực khách khắp nơi vẫn ùn ùn kéo đến. Không ngại chật chội, không ngại mất thời gian, tất cả háo hức chờ đợi đến lượt mình. Cảm giác lạ lùng, vừa gần gũi vừa xa lạ. Thậm chí, có người không tìm được chỗ ngồi đành chấp nhận ăn ... đứng. Vậy mà không một ai tỏ ra khó chịu.

Mùa thu với cái se lạnh vào buổi sáng. Người Hà Nội có thú vui nào hơn, khi bên bát phở nóng, lặng lẽ hít thật sâu hương vị nồng ấm xen lẫn độ ngọt của vị phở. Đối với những người con xa Hà Nội, nghĩ về quê hương trong cơn gió lạnh đầu mùa, lòng ai cũng cồn cào nỗi nhớ. Trong những nỗi nhớ đó, có nỗi nhớ da diết hương vị phở 49 Bát Đàn.

Phạm Thiệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.