Vừa qua, liên tiếp những vụ thảm án gia đình xảy ra từ việc người vợ không sinh đuợc con trai và bị mọi người dèm pha, nói bóng gió. Mới đây nhất khi bộ Y tế đưa ra dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi có lời nói xúc phạm người sinh con một bề. Rất nhiều ý kiến tranh luận về việc làm sao để phân biệt rạch ròi hành vi chế giễu cố ý hay hành vi trêu đùa và dựa vào những căn cứ nào để xử phạt?!
PV Nguời Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về tính pháp lý của dự thảo này.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng tổng cục DS - KHHGĐ cho rằng, cần phải có cảnh cáo nghiêm khắc đối với những nguời có hành vi thiếu tôn trọng người sinh con một bề
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đưa ra những dẫn chứng các vụ việc xảy ra từ suy nghĩ lệch lạc về vấn đề sinh con một bề. Bởi lẽ ai cũng biết việc dùng lời lẽ không hay, xúc phạm việc sinh con gái sẽ gây tổn thương tình cảm, tâm lý của người cha, mẹ. Từ lâu nay chúng ta vẫn đặt vấn đề sinh con trai lên hàng đầu và coi trọng con trai hơn con gái. Tâm lý nặng nề đó đã khiến nhiều bi kịch xảy ra và rất khó để thay đổi nhận thức trong mỗi gia đình. Để thay đổi tâm lý ưa thích con trai trong cộng đồng cần phải có thời gian và giải pháp lâu dài. Bản thân mỗi gia đình cũng cần có cái nhìn thấu đáo hơn về bình đẳng giới để cuộc sống tốt hơn.
Nói về tính thực tiễn của dự thảo trên trong đời sống, luật sư Tiến cho rằng rất khó để phân biệt rạch ròi hành vi chế giễu cố ý hay hành vi trêu đùa. Giả sử một người nào đó có lời nói về một gia đình sinh con một bề sau đó người bị chế giễu mang đơn đi tố cáo anh kia, chị kia về hành vi bôi bác, nói xấu việc sinh con một bề là rất khó. Theo đó sẽ dựa vào đâu để có tính pháp lý, bằng chứng kết tội và xử phạt người khác. Cái này phạm trù rất rộng và cần được bộ Y tế quy định cụ thể hơn.
Mới đây, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng đang triển khai nhiều biện pháp như sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là các gia đình sinh con một bề là nữ để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách tác động, làm thay đổi hương ước của các dòng họ, cộng đồng, đấu tranh để con gái cũng có quyền thờ cúng tổ tiên, được đưa tên vào gia phả, con gái có quyền lợi và nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già…
Thực tế, dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mà bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp có điều khoản "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh một bề bị dư luận phản ứng là khó khả thi, khó thực hiện vì "lời nói gió bay". Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, việc nhiều người hay chế giễu những gia đình sinh con gái một bề là "kém cỏi", "không phải đàn ông đích thực", "không biết đẻ" và những sự phân biệt kỳ thị là khó chấp nhận.
"Trên thực tế, chính những lời nói này đã gây nên tâm lý bất ổn cho người sinh con một bề là gái, đàn ông có thể bị chế giễu mà về đánh đập vợ, ép vợ sinh con, phụ nữ vì bị miệt thị, bị chồng dồn ép mà sinh ra chán đời, phẫn uất. Đồng thời, những lời nói đó càng khoét sâu sự kỳ thị giới. Đã có rất nhiều tội ác xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, mà khởi đầu chỉ vì bị cười chê vì "xây nhà tình nghĩa". Chính vì thế đây là cảnh cáo nghiêm khắc, cần phải trừng phạt đối với những lời nói "gây hậu quả nghiêm trọng", ông Tân cho biết thêm.
Cao Tuân