Nhập nhằng...
Theo thông tin quảng cáo, mì Nissin 365 là loại mì không chiên, trọng lượng 65 g/gói, có giá bán 3.500 đồng/gói, với các loại hương vị: Tôm chua cay, xí quách thịt bằm và nạm bì hầm.
Nhà sản xuất truyền đi thông điệp chính: Mì không chiên 365 vì không chiên qua dầu nên bạn có thể an tâm về sức khỏe, sợi mì dai tự nhiên và nước súp không bị mùi dầu chiên lấn áp giúp bạn tận hưởng vị ngon đặc của từng hương vị.
Mặc dù không trực tiếp đề cập “ăn mì chiên qua dầu là ảnh hưởng đến sức khỏe” nhưng qua cách quảng cáo trên thì bất cứ người tiêu dùng nào cũng hiểu rằng những sản phẩm mì qua chiên dầu là không tốt.
Một tờ quảng cáo của “mì không chiên Nissin 365” gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng
Những món ăn chiên, xào là đặc trưng của văn hóa ẩm thực của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Thực phẩm nào cũng vậy, dù có tốt đến mấy nhưng khi sử dụng quá nhiều thì cũng gây tác dụng ngược. Mì ăn liền chiên dầu cũng không là ngoại lệ. Điều đáng nói là, bản thân mì ăn liền chiên bằng dầu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đến mức phải “bất an” khi sử dụng.Thông điệp quảng cáo với hàm ý như vậy là không có căn cứ khoa học. Bởi không chỉ có sản phẩm mì ăn liền được chiên qua dầu theo cách truyền thống, mà còn rất nhiều loại thực phẩm khác cũng được chế biến bằng cách này. Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy, thực phẩm qua chiên dầu có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, đến mức khiến cho người tiêu dùng “không thể yên tâm” khi sử dụng.
Do vậy, mì ăn liền chiên qua dầu, cũng như hàng trăm ngàn loại thực phẩm khác chiên qua dầu trên thị trường, không có vấn gì phải báo động, bởi người tiêu dùng đủ thông minh và trình độ hiểu biết để tự điều chỉnh bữa ăn của mình sao cho cân bằng không quá nhiều dầu mỡ.
Trong bối cảnh như vậy, quảng cáo của Công ty Nissin cố tình gieo rắc vào tâm trí người tiêu dùng rằng “mì chiên qua dầu là độc hại, là gây bất an”, thì rõ ràng đây là hành vi so sánh trực tiếp về “hiệu quả sử dụng sản phẩm” của mì “Nissin 365” không chiên qua dầu với các loại mì ăn liền chiên qua dầu của các nhà sản xuất khác trên thị trường.
Có thể phạt tới 40 triệu đồng
Nếu vậy, nội dung quảng cáo nêu trên của Công ty Nissin là thuộc hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 (có hiệu lực từ 1/1/2013). Cụ thể, tại khoản 10 của Điều luật này quy định cấm hành vi “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.”
Do đó, hành vi vi phạm pháp luật như vậy cần phải được ngăn chặn và chấm dứt ngay. Nếu không kịp thời chặn đứng thì nó sẽ có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe sẽ tẩy chay toàn ngành sản xuất mì chiên trong nước hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều triệu người tiêu dùng và hàng triệu người lao động trong ngành thực phẩm này.
Trên cơ sở đó, nay căn cứ qui định tại Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014), cụ thể: “Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: 4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Lợi dụng quảng cáo để xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; b) Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”…
Tự “đá” mình?
Một điều khác có thể nhận thấy là ngoài Việt Nam, Nissin kinh doanh mì chiên với sản lượng lớn ở nhiều nước khác, tuy nhiên công ty này lại chỉ dùng thông điệp quảng cáo như trên ở Việt Nam - nơi họ không kinh doanh mì chiên - với mục đích công kích các công ty đối thủ và lừa dối người tiêu dùng
Với nội dung quảng cáo trên, Nissin đang gây hiểu nhầm, ngộ nhận cho người tiêu dùng về “Mì chiên qua dầu có thể không an tâm về sức khỏe…”. Mặt khác, hiện nay trên internet đang xuất hiện khá nhiều thông tin về việc ăn mì ăn liền có hại cho sức khỏe (chủ yếu là từ mì chiên).
Tuy nhiên, điều đáng nói là, trước đây, chính Nissin cũng đã truyền thông “Mì không chiên Nissin – ăn không sợ nóng”. Từ đó có thể thấy, Nissin có dấu hiệu đang cạnh tranh không lành mạnh và có chủ đích trong việc tạo ra những thông tin, hình ảnh xấu, gây ảnh hưởng đến các sản phẩm mì ăn liền chiên khác.
Phóng viên báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả vấn đề này.
Nhóm PV Báo ĐS&PL