Lối mở cho các dự án "vướng" giá đất
Mới đây, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 của chính quyền địa phương là khẩn trương tham mưu, củng cố lại Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể để kịp thời thực hiện tốt công tác thẩm định giá đất đối với các dự án, nhất là các dự án còn tồn đọng, vướng mắc về giá đất mà Đoàn Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Dũng đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.
Ngay sau khi tiếp nhận, ông Hưng đã yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường lập lại các Tờ trình, kèm đầy đủ các hồ sơ liên quan và dự thảo Quyết định của UBND tỉnh, đề nghị phê duyệt phương án giá đất cụ thể của 3 dự án: Khu đô thị Smart City, Khu đô thị Hưng Thịnh và Khu đô thị Đất Quảng Riversdise.
Trong đó, khẳng định phương án giá đất của từng dự án trên qua rà soát nhưng không có các nội dung sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trước ngày 31/8 để xem xét phê duyệt.
Riêng dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư phố chợ Trường Xuân và dự án Khu đô thị Smart City, Sở Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương xây dựng phương án giá đất, trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh trước ngày 31/8 để thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam diễn ra ngày 12/8, ông Hưng chia sẻ, đối với giá đất hiện nay, nếu được xác lập mới thì cần phải chờ thêm thời gian.
Luật Đất đai cũ hay Luật Đất đai mới đều yêu cầu hoàn thiện hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt. UBND tỉnh đã tính phương án, với nhóm 1 là các doanh nghiệp đã hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, hoàn thiện hạ tầng thì hướng xử lý là tỉnh sẽ chấp nhận tiền doanh nghiệp nộp vào tài khoản tạm giữ là tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ, sẽ trả thì Nhà nước sẽ làm việc cấp sổ. UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy về vấn đề này.
Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vướng chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng 1/500 được duyệt thì doanh nghiệp sẽ không được tách thửa, cấp sổ. Nhóm này nếu doanh nghiệp đã hoàn thiện 80% cơ sở hạ tầng thì UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy, trình phương án cấp sổ.
Doanh nghiệp, Nhà nước lẫn người dân đều chịu ảnh hưởng
Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất, cho thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, thì các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm triển khai công tác thẩm định và phê duyệt giá đất để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai là cơ sở quan trọng để cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, sở hữu công trình gắn liền với đất.
Điều này đồng nghĩa, khi không xác định được giá đất dẫn tới việc chậm nộp tiền sử dụng, thuê đất sẽ khiến các doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.
Như vậy, trường hợp ách tắc xác định giá đất, cả 3 bên là doanh nghiệp, Nhà nước và người dân đều phải gánh chịu hậu quả, thiệt thòi.
Về phía doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp phải vay ngân hàng và hàng tháng trả lãi rất lớn để mua quỹ đất. Vì vậy, việc dự án không thể triển khai chỉ vì vướng khâu xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất có thể đẩy doanh nghiệp vào thế bị phá sản.
Về phía Nhà nước, khi các dự án không được cấp quyền sử dụng đất, sẽ khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu.
Về phía người dân, không được cấp quyền sử dụng đất, đồng nghĩa không đảm bảo quyền lợi. Khi người dân không có nhu cầu sử dụng, việc bán lại cũng gặp nhiều khó khăn, thấp hơn giá thị trường.
Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có 14 dự án nhà ở đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ của dự án theo Quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên do có sai sót trong việc xác định giá đất nên phải chờ phê duyệt lại giá đất.
Bên cạnh đó, 8 dự án khác đã từng được giao đất từng phần, tức chưa giao hết toàn bộ diện tích của dự án do chưa giải phóng mặt bằng xong và cơ bản đã hoàn thành đầu tư hạ tầng trên phần diện tích đất được giao, cũng đang chờ xác định giá đất.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho hay, hiện nay, một trong những vấn đề vướng mắc lớn nhất tại tỉnh Quảng Nam là xác định giá đất. Chỉ khi xác định được xác đất cụ thể, thì mới có thể giải quyết được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, trước thông tin, chính quyền tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh gỡ vướng xác định giá đất được xem là một tín hiệu đáng mừng.
Ngày 27/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.
Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định cụ thể trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất. Cùng với đó, Nghị định cũng quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 257, Luật Đất đai.
Nghị định này được ban hành kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án liên quan đến giá đất, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.