Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 25/11, Quốc hội sẽ bàn giải pháp để gỡ khó cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Cụ thể, chiều 25/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Từ 16h đến 17h, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung trên.
Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nhận định cơ hội phát triển mới đang mở ra, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu - một đề án tổng thể với các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines được Chính phủ trình Quốc hội với một số kiến nghị cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng. Hiện Vietnam Airlines không thực hiện được do vướng quy định trong Luật Chứng Khoán và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất.
Cùng với đó là kiến nghị cho phép Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền.
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 135 nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gồm: Cho vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu với tổng quy mô 12.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines.
Các chuyên gia đánh giá các gói hỗ trợ này đã có tác dụng như liều oxy cấp cứu Vietnam Airlines trong lúc khó khăn nhất.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, trong bối cảnh nền kinh tế cần phát triển mạnh hàng không để phục vụ tăng trưởng, lan tỏa cho cả chuỗi cung ứng kèm theo, thì cần có chiến lược tăng vốn dài hạn cho doanh nghiệp này.
Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ hoàn toàn phục hồi và phát triển bền vững trước năm 2035.
Cơ hội phát triển đang mở ra, sự phát triển của Vietnam Airlines không chỉ đại diện cho ngành hàng không Việt Nam mà còn đại diện cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thương hiệu quốc gia Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.