Quy đổi tương đương điểm chuẩn dựa trên công thức nào?

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 5, 03/04/2025 21:06

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết tính công bằng trong quy đổi điểm chuẩn không phụ thuộc vào mức độ phân hoá của đề thi, hay làm thay đổi điểm số của thí sinh.

Mới đây, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã có những thông tin xoay quanh những điểm mới về quy chế tuyển sinh đại học năm nay. Kỳ tuyển sinh năm học 2025-2026 sẽ có 2 điểm đổi mới quan trọng là bỏ xét tuyển sớm và áp dụng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo.

Về nguyên nhân cần phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết yêu cầu này xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước, khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu.

"Điểm chuẩn được quyết định bởi chỉ tiêu, trong khi việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như rất khó có căn cứ. Khi quy đổi tương đương sẽ đảm bảo tính khoa học, công bằng hơn rất nhiều so với việc quyết định điểm cho trúng tuyển thông qua phân chia chỉ tiêu", ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Quy đổi tương đương điểm chuẩn dựa trên công thức nào?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: Trần Hiệp).

Cùng với đó, theo ông Sơn nếu một ngành, một chương trình chỉ có một phương thức xét tuyển như sử dụng điểm thi Đánh giá năng lực hay kết quả thi tốt nghiệp THPT, thì sẽ không có nhiều lo lắng.

Nhưng nếu dùng 2 phương thức xét tuyển trở lên, chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT lấy 25 điểm, mà điểm Đánh giá năng lực lại lấy 120/150 điểm. Như vậy, khi có nhiều phương thức xét tuyển trong một ngành, thì rõ ràng điểm chuẩn đó phải đánh giá được mức độ tương đương về năng lực của các thí sinh.

Ở đây, Quy chế của Bộ GD&ĐT không phải bắt buộc các trường phải quy đổi điểm ở tất cả các phương thức xét tuyển, mà chỉ quy đổi trong một phạm vi nhất định đối với các ngành, các chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển. Ngoài ra, Bộ không đưa ra một công thức quy đổi cho tất cả các ngành, đây sẽ là công thức cho những ngành phổ biến. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo hoàn toàn có thể điều chỉnh theo đặc thù của trường, của ngành.

Đặc biệt, việc quy đổi điểm không phụ thuộc vào sự phân hóa của đề thi, hay tính minh bạch của cuộc thi. Và đổi điểm sẽ không thể làm thay đổi năng lực của các thí sinh.

Về công thức tính cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết có nhiều phương pháp, nhưng nổi bật nhất là phương pháp phân vị hồi quy tuyến tính.

Cụ thể, đối với phương pháp phân vị, từ nguồn dữ liệu lớn của những thí sinh tham gia nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, các trường sẽ xác định điểm số trong top 1%, 5%, 10% hay 20%,…

Với hồi quy tuyến tính, là phương pháp phân chia điểm trúng tuyển từ 20-30 điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương với bao nhiêu điểm của các kỳ thi khác. Công thức quy đổi có dạng y = ax + b, trong đó x là điểm thi của một phương thức, y là điểm quy đổi sang phương thức khác.

"Về mặt khoa học, về mặt tính toán thì điều này cũng rất đơn giản. Đối với các trường thì đều làm được việc này", ông Hoàng Minh Sơn cho hay.

Quy đổi tương đương điểm chuẩn dựa trên công thức nào?- Ảnh 2.

Năm nay sẽ là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

Ngoài việc hướng dẫn quy đổi điểm dựa trên kết quả thi tuyển, Bộ GD&ĐT còn đề xuất một cách tiếp cận khoa học hơn: Kiểm chứng lại mức quy đổi điểm bằng kết quả học tập của sinh viên.

Các trường có thể đánh giá kết quả học tập của sinh viên năm nhất, năm hai để kiểm tra xem các nhóm sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau có sự tương quan về năng lực hay không.

Nếu một phương thức xét tuyển có điểm chuẩn thấp hơn nhưng sinh viên lại có kết quả học tập tốt hơn, hoặc ngược lại, điểm chuẩn cao hơn nhưng sinh viên học yếu hơn, điều này có thể chỉ ra sự chưa hợp lý trong cách quy đổi điểm.

"Dựa trên những dữ liệu này, các trường có thể điều chỉnh mức quy đổi điểm để phù hợp hơn với thực tế. Nếu các phương thức đánh giá năng lực khác nhau quá lớn, không thể quy đổi được, thì không nên sử dụng chúng để xét tuyển vào cùng một ngành", Thứ trưởng chia sẻ.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm quy chế mới này cũng không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường đại học.

Ông Sơn bày tỏ nguyên tắc tối cao là bảo đảm chất lượng độ tin cậy, công bằng. Mọi quy định tự chủ của các trường đều phải tuân thủ nái này. Các trường được quyền quyết định về việc quy đổi, nhưng phải giải trình được lý do tại sao lại lựa chọn như vậy để đảm bảo minh bạch cho thí sinh.

Năm nay, Bộ không chỉ yêu cầu các trường giải trình về phân bổ chỉ tiêu, mà còn yêu cầu giải trình rõ ràng về điểm chuẩn trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành. Việc giải trình phải dựa trên căn cứ khoa học, chứ không thể dựa trên sự phân bổ chỉ tiêu theo ý chí chủ quan của từng trường.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.