Theo báo cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, tổng doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo trong quý I đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Metric ghi nhận 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng (+9%); 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán (+10%) và 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công (+83%).
“Các sàn TMĐT tiếp tục là sân chơi được các nhà bán hàng lựa chọn để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Sản lượng và doanh thu đều trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là con số cực kỳ ấn tượng khi dự báo đầu năm của Metric, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể chỉ cán mốc 35%”, nền tảng này nhận định.
Thông tin trên tạp chí Tri thức, doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT có xu hướng bùng nổ vào tháng 3 khi đạt gần 28.300 tỷ đồng. Đây là tháng luôn mang lại doanh thu cao nhất trong quý I bởi dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 1 và tháng 2, tạo tâm lý ngại mua sắm trực tuyến hơn do tình trạng gián đoạn vận chuyển giao hàng.
Với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn so với giai đoạn hậu Covid-19 và mua sắm online dần trở thành thói quen tiêu dùng không thể thiếu.
Bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế, doanh nghiệp ngày càng có niềm tin vào sự phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến. Metric dự báo TMĐT là sân chơi buộc phải tham gia nếu muốn tiếp cận số lượng khách hàng khổng lồ.
Tuy nhiên, đây cũng luôn là một thị trường đầy khốc liệt. Chỉ cần tìm mặt hàng bất kỳ trên sàn, người dùng có thể nhìn thấy hàng chục, hàng trăm nhà cung cấp. Vì vậy, với số lượng doanh nghiệp tăng lên, chắc chắn cuộc chiến trên nền tảng Ecommerce sẽ ngày càng phức tạp. Nhà bán hàng có thể bị đào thải bất cứ lúc nào nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Số liệu cũng chỉ ra rằng, giá rẻ vẫn là trọng tâm mua hàng của người tiêu dùng trên các sàn TMĐT khi mức giá phổ biến nằm trong khoảng từ 10.000 đến 350.000 đồng. Dù vậy, với một số nhóm ngành hàng đặc trưng như làm đẹp, chất lượng mới là điều người tiêu dùng quan tâm thay vì mức giá. Thậm chí, mức giá rẻ đôi khi mang lại tác dụng ngược trong những ngành hàng này.
Hà Nội và Tp.HCM tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho, chiếm tổng cộng trên 70% toàn thị trường. Đây cũng được coi là đại diện văn hóa tiêu dùng của 2 miền Nam - Bắc.
Trong top 10 khu vực có doanh số cao nhất, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Bình Dương là những tỉnh thành có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, đây đều là những thành phố lớn khi Quảng Ninh sở hữu cửa khẩu quốc tế trong khi 3 tình thành còn lại tập trung nhiều khu công nghiệp.
Hiện nay, các doanh nghiệp địa phương đã có những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường thương mại điện tử. Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%.
Thương mại điện tử đã không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành. Kho hàng đặt tại các tỉnh thành đã giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, giao hàng, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dùng địa phương.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh Metric cho hay, ngành hàng Làm đẹp đang cho thấy sức ảnh hưởng của mình khi xếp vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những ngành hàng có doanh thu cao nhất.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, ngành hàng Làm đẹp mang lại 11.250 tỷ đồng dựa trên số liệu từ cả 5 sàn thương mại điện tử top đầu. Tại đó, chăm sóc da mặt là nhóm sản phẩm phổ biến nhất với doanh số 3.223 tỷ đồng, gồm 22,32 triệu sản phẩm được bán ra.
"Sở dĩ ngành Làm đẹp có thể duy trì vị thế từ năm này qua năm khác đến từ 3 đặc trưng ngành hàng, đó là sản phẩm có sức mua lại cao, nhiều chương trình khuyến mại so với cửa hàng offline, khách hàng lại phần nhiều là nữ - tệp khách hàng chủ yếu của các sàn thương mại điện tử", ông Trung phân tích.
Quý 1/2024 cũng chứng kiến sự phát triển thần tốc của ngành hàng điện gia dụng, với mức doanh số tăng trưởng 146,8% và sản lượng bán tăng tới gần 370%.
Top đầu những sản phẩm bán chạy trong ngành hàng điện gia dụng đều có mức giá cao, điển hình như máy chiếu, robot hút bụi... Điều này cho thấy người tiêu dùng đã không còn ngại mua sắm những mặt hàng có giá trị trên sàn online, nếu nhà bán chứng minh được uy tín và chất lượng sản phẩm.
Theo dự báo của Metric, trong Quý 2/2024, tổng doanh số 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 84.870 tỷ đồng, với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với Quý 1/2024. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu hết sức tích cực.
Tuy nhiên, những biến động địa chính trị làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, sự xâm nhập từ các nhà bán nước ngoài và việc thay đổi chính sách từ một số sàn thương mại điện tử là những thách thức mà người bán hàng online sẽ phải đối mặt trong phần còn lại của năm 2024.
Theo Tuổi Trẻ, trong 2 năm qua, nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử tại địa phương đã và đang liên tục được triển khai, bởi nhiều đơn vị từ tổ chức nhà nước tới các doanh nghiệp tư nhân, điển hình như bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên 2022, Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2023...
Trong hội thảo mới đây về thương mại điện tử, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - cho rằng xóa bỏ khoảng cách giữa đô thị và các vùng ven là một trong những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện, nhằm phát triển thương mại điện tử Việt Nam một cách bền vững.
"Chính phủ đang giao cục triển khai đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu là liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả, rút ngắn khoảng cách vùng miền", bà Oanh thông tin.
Minh Hoa (t/h)