Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Theo Bộ VH-TT&DL, từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 42% so với kế hoạch đề ra.
Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo Bộ VH-TT&DL và các ý kiến của các đại biểu; giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến xác đáng; nghiên cứu, sớm hoàn thiện và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cụ thể hóa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng cho rằng, trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch lại chưa có đột phá do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đại dịch Covid-19 tác động, gây hậu quả tới nhiều ngành, nhiều nghề nhưng ngành du lịch chịu tác động nặng nề hơn.
Do đó, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, thay đổi cách tư duy, tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề cụ thể, sát điều kiện Việt Nam và tình hình thế giới hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh định hướng "cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có".
Đồng thời, xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Phát triển ngành du lịch những năm mới đây theo tinh thần tạo đột phá, phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.
Phát triển du lịch luôn gắn với kinh tế, văn hóa, thể thao, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trước hết, Thủ tướng yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch.
Nhất là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, từng năm và nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh và bền vững.
Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Việt Nam thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế… Việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch... cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới.
Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.
Thủ tướng cho rằng, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp.