Cứ vào dịp đầu năm, chị Nguyễn Ánh (Hà Nội) lại cùng cả gia đình đến chùa để vãn cảnh chùa cũng như cầu mong bình an, may mắn. Với tâm lý đó, năm nào chị cũng đi và thành thói quen chị rải rất nhiều tiền lẻ lên các ban thờ.
Chị Ánh tâm sự: “Năm nào tôi cũng đi lễ chùa, chính vì thế từ trong năm tôi đã phải đổi một vài cọc tiền lẻ để đến chùa còn đặt lễ và thắp hương. Tôi nghĩ rằng, đặt lễ tiền lẻ và chỗ nào mình cùng rải như vậy thì đức Phật có thể nhận được lòng thành của mình, phù hộ đội trì cho mình”.
Không giống như chị Ánh, chị Lan (Hà Nội) thì cho biết: “Ngày trước khi đi chùa tôi không biết là mọi người rải tiền để làm gì. Xong có một lần tôi về nhà mẹ chồng tương lai được mẹ chồng nói là phải mang tiền rải mới có lộc. Chính vì thế, tôi cũng đã học theo, và đến chùa quan sát thấy mọi người làm sao thì mình làm vậy. Thật tâm tôi không muốn rải tiền vì thấy toàn tiền lẻ vương vãi, không đẹp mắt. Nhưng, mọi người làm chẳng nhẽ mình không làm”.
Có thể nói, đặt tiền công đức (còn gọi là tiền giọt dầu) từ lâu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt, đây được coi là truyền thống văn hoá lâu đời của người dân khi đi lễ chùa. Phần vì mong bình an, sức khoẻ, phần vì muốn đóng góp vào việc tu bổ, tôn tạo di tích…
Thế nhưng, nếu là người thường xuyên đi chùa, hoặc lui tới những khu du lịch tâm linh thật không khó bắt gặp hình ảnh nhiều phật tử, du khách thập phương đổ về chùa, rải tiền lẻ khắp các nơi trong chùa từ ban thờ, giếng nước, đặt vào tay hay dưới chân tượng phật… Điều này, khiến cho không ít người cho rằng phản cảm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải rải tiền mới là thành tâm.
Liên quan đến câu chuyện có nên rải tiền lẻ khi đi lễ chùa, và nên mang theo điều gì khi đến lễ chùa. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ GS. Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo.
Nói về việc người dân đi lễ chùa rải tiền lẻ, GS. Trần Lâm Biền bày tỏ: “Tôi cho rằng, khi đã đến đình, đền, chùa thì không nên dùng tiền của thế gian để đặt lên ban thờ. Thứ nhất, thần thánh không cần ăn hối lộ, thứ hai không được đem rác rưởi của trần gian ùa vào cõi thiêng liêng. Ngày xưa người ta thường nói “Hoà quang đồng trần” ý chỉ đem ánh sáng của chân lý, của các thần linh vào cứu vớt cuộc đời. Nhưng, bây giờ mọi người lại đang trần tục hoá thần linh, nên hối lộ thần linh, trần tục hoá thần linh là chỉ có tội chứ không có phúc”.
GS. Trần Lâm Biền giải thích thêm: “Ban thờ mang ý nghĩa tầm trời, nhưng lại mang những thứ không chay tịnh, mang cả tiền đặt lên ban thờ là điều không tốt, gọi là vô văn hoá”.
Từ những lời giải thích đó, GS. Trần Lâm Biền cho rằng tiền công đức thì người dân cho vào hòm công đức, hoặc có thể ghi ở bàn ghi công đức chứ không nên rải tiền lẻ rơi vương vãi. Điều đó, chỉ làm mất mỹ quan, gây phản cảm thêm mà thôi.