Sáng 13/8, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân nam ngộ độc do ăn thịt cóc.
Theo kể lại, trước khi xảy ra sự việc những người này bắt cóc ở trên đồi về chế biến thành một số món ăn. Sau khi ăn các món từ thịt cóc, 3 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, tê bì, mệt mỏi, yếu cơ, đái buốt..
Khi nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngoài các triệu chứng trên, cả 3 người đều có tình trạng nhịp tim chậm và rối loạn nhịp tim. Những người đàn ông này nhanh chóng được điều trị và theo dõi tích cực. Sau hơn một ngày điều trị, bệnh nhân có sức khỏe ổn định và được xuất viện.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...
Độc tố từ cóc có ở một số bộ phận cơ thể: nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng.
Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin, thành phần độc tố thay đổi tuỳ theo loài cóc. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn ói dữ dội, có thể bị tiêu chảy;
Bệnh nhân cũng có thể bị hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, truỵ tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt.
Một số trường hợp bị rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.
Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những cơ sở y tế mới có hiệu quả.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự chế biến các thức ăn từ cóc. Khi không may bị ngộ độc các thức ăn chế biến từ cóc, cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
H.Anh (T/h theo Zing, VietNamNet)