Sau chương trình khai mạc vào tối 24/11, lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần 2 tiếp tục nhiều hoạt động khác tại TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương; Trưởng Đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft; lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và đông đảo nghệ nhân, diễn viên, du khách, nhân dân trong nhiều tỉnh thành trong nước.
Lãnh đạo địa phương khẳng định, thổ cẩm là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng tộc người, là “gia tài văn hóa” mà các nghệ nhân qua nhiều thế hệ đã chắt chiu, sáng tạo.
Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hóa thổ cẩm truyền thống đang dần bị mai một.
Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thổ cẩm để loại hình văn hóa này được lưu truyền và từng bước tạo nên biểu tượng văn hóa của cộng đồng ngày càng trở nên cần thiết, cấp bách.
Việc bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ vì mục đích phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà còn là sứ mệnh của chúng ta đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Thổ cẩm cũng góp phần làm nên tình đoàn kết, sự đa dạng về bản sắc văn hóa và lịch sử của 54 dân tộc anh em, là cầu nối văn hóa giữa chúng ta và bạn bè quốc tế, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng làm nên sắc thái riêng cho từng dân tộc”, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu.
Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 tại Đắk Nông gồm nhiều hoạt động văn hóa - du lịch đa dạng và phong phú như: Triển lãm, thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; trình diễn trang phục thổ cẩm Việt Nam,...
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy tinh hoa của hoa văn các dân tộc, từ đó góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Sự kiện được tổ chức với quy mô toàn quốc, có sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Kom Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang, Ninh Thuận và Đắk Nông.
Tại đêm khai mạc, tỉnh Đắk Nông cũng chính thức nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Danh hiệu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông mà còn là vinh dự, niềm tự hào lớn của Việt Nam. Danh hiệu góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương thành di sản chung của toàn nhân loại, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và hình ảnh Đắk Nông nói riêng ra quốc tế.