Tuần vừa qua, hàng loạt các vụ việc liên quan đến thực phẩm được phanh phui khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng. Điều đáng lo ngại là cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.
Hãy cùng điểm lại những vụ bê bối liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều người quan tâm trong tuần vừa qua:
Gạo Thái nhiễm chất độc gây tê liệt thần kinh
Tổ chức “Vì người tiêu dùng Thái Lan” vừa phát hiện 74% số mẫu gạo xét nghiệm chứa methyl bromide, một loại chất hóa học bị phân hủy trong không khí thường được dùng để diệt mối mọt và thuốc diệt nấm.
Gạo Thái được bày bán tràn lan trên thị trường Việt Nam (Ảnh minh họa)
Hóa chất Methyl bromid khi chưa chuyển hóa đã có thể gây mê cơ thể sống, khi vào cơ thể chuyển hóa thành rượu Metylic sẽ gây độc, làm tê liệt hệ thần kinh. CH3Br rất độc, ở nồng độ thấp khó nhận biết, do vậy khi nhận biết thường phải cho thêm 2 - 3% Clopirin làm chất báo hiệu nguy hiểm vì chất này gây kích thích niêm mạc mắt.
Điều đáng lo ngại là tại các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, gạo có xuất xứ từ Thái Lan được bày bán với rất nhiều chủng loại, được khách hàng tin dùng với số lượng tiêu thụ ngày càng lớn.
100% đồ uống vỉa hè nhiễm khuẩn E.coli
Đầu tháng 7 vừa qua, Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn – Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã lấy mẫu độc lập và ngẫu nhiên một số loại nước uống đường phố thông thường bao gồm trà đá, trà Bát bảo, nước mía, nước nhân trần,... ở một số tuyến phố Hà Nội.
Trà đá, nhân trần, nước vối, nước ngô, trà bát bảo... đều nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Kết quả cho thấy, 90% mẫu nước uống bày bán tại vỉa hè Hà Nội (được kiểm tra ngẫu nhiên) bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli, 100% mẫu nhiễm vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm bẩn thực phẩm và hơn 33% số lượng mẫu có chứa hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép như chì, thủy ngân, cadimi…
TS Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, phó chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, nước uống nhiễm vi khuẩn E.coli, B.cereus, có hàm lượng vi khuẩn hiếu khí, men mốc, kim loại vượt giới hạn cho phép sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bún, bánh phở chứa chất gây ung thư
Ngày 22/7, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu các thức ăn được chế biến từ gạo như: bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi…
Theo đó, nhóm thực phẩm bánh ướt, bánh canh và bánh hỏi có tỉ lệ sử dụng chất làm trắng huỳnh quang (tinopal) là 100%.
Thức ăn chứa chất tẩy trắng độc hại bày bán khắp nơi
Ông Đỗ Ngọc Chính, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng cho biết: “Sử dụng tinopal để làm tăng trắng cho thực phẩm chế biến từ bột gạo sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, tinopal có thể làm tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn những thực phẩm chứa tinopal trong thời gian dài sẽ gây suy gan, suy thận, thậm chí cả bệnh ung thư”.
Chế biến cà phê từ nước mắm và hóa chất
Công an TP.Cần Thơ phát hiện, triệt phá cơ sở sản xuất xà phê thuộc công ty An Khánh, số 303/1 đường Cái Sơn Hàng Bàng, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
Qua kiểm tra, công an phát hiện hệ thống dây chuyền sản xuất, đóng gói cà phê có quy mô lớn và rất chuyên nghiệp. Tại hiện trường có hàng tấn bắp, đậu nành được đóng bao (loại 50kg) chất thành đống rất nhếch nhác, bẩn thỉu cùng với một ít cà phê phế phẩm. Ngoài ra, còn có 20 thực phẩm như đường, nước mắm, vani, bơ, sữa và nhiều thùng, can hóa chất tạo mùi, màu...
Hoá chất, hương liệu tạo mùi để cho ra những loại cà phê “chất lượng cao”.
Tại tầng 2 của căn nhà, cũng là trụ sở công ty, hơn nửa diện tích được sử dụng để chứa bao bì giả những thương hiệu cà phê nổi tiếng ở TP.Ban Mê Thuột (Đắk Lắk) và gần 100 thùng cà phê thành phẩm đã được đóng gói.
Theo các công nhân, để chế biến được 100kg cà phê thành phẩm, chỉ cần 5kg cà phê bột, còn lại là các nguyên liệu khác, trong đó có bắp, đậu nành, phế phẩm của hạt cà phê. Để hương vị thêm nồng nàn, các công nhân cho thêm rượu, nước mắm và nhiều loại hoá chất khác.
Theo Khám phá