Chợ cóc họp ngay trên đoạn đường sắt km13+024, hướng Bắc Hồng - Văn Điển đi xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm.
Chợ nằm ở thôn Trù 1, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội họp bắt đầu từ 5h30 cho đến khoảng 11h30 và từ 15h - 19h tất cả các ngày trong tuần. Mặc dù là chợ cóc nhưng nó không kém phần nhộn nhịp và sầm uất so với các chợ chính. Bởi Cổ Nhuế là địa bàn tập trung đông dân cư trong đó có rất nhiều sinh viên và công nhân làm thuê.
Người mua, kẻ bán và xe máy, hàng hóa đủ các mặt hàng thiết yếu: Từ thịt, cá, hoa quả cho đến quần áo… được vô tư bày ngổn ngang hai bên đường sắt bất chấp xe lửa có thể lao đến bất cứ lúc nào.
Đồ đạc được để ngay sát đường tàu. Một người bán hàng cho hay: "Nghe thấy tiếng còi tàu là chúng tôi dọn dẹp chạy, lâu năm có kinh nghiệm chạy tàu rồi, chả chết được đâu".
Theo ghi nhận của phóng viên PetroTimes, khoảng gần 10h giờ sáng ngày 12/7, tiếng còi tàu rú liên hồi báo hiệu tàu sắp chạy qua nhưng người dân vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. Chỉ khi nhìn thấy đoàn tàu còn cách khoảng vài chục mét, những người bán hàng mới bắt đầu nháo nhào dọn hàng cho tàu đi qua. Bóng tàu vừa khuất, hàng hóa lại nhanh chóng được bày ra.
Theo một số người dân sống quanh khu vực cho biết, chợ cóc này đã hoạt động được mấy năm nay. Ban đầu chỉ có một số người bán nhỏ lẻ nhưng do nhu cầu người dân ngày càng cao nên chợ cũng ngày càng đông và bất chấp quy định về hành lang bảo đảm an toàn đường sắt.
Mặc dù chợ Cổ Nhuế - chợ chính của xã chỉ cách đó chưa đầy 100m nhưng nhiều người vẫn thích mua bán ở bên đường tàu hơn là trong chợ.
Biển báo "Cấm họp chợ" từ lâu đã trở nên không có tác dụng.
Cô Nguyễn Thị Thơ (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: “Tôi chỉ có mỗi ít trứng nên ngồi ngoài này cho đỡ chật, lại dễ bán, ban đầu chỉ có một vài người ra đây thôi nhưng bây giờ họ thi nhau ra đây bán nên mới đông thế này đấy”.
Không chỉ có người bán mà người mua cũng có tâm lí như vậy. Bạn Trần Thu Hằng (sinh viên ĐH Mỏ) nói: “Mình thích đi chợ cóc ngoài này hơn vì ở đây ít người, không phải chen chúc, giá cả lại được bán rẻ hơn trong chợ chính nữa”.
Điều đáng nói chính là việc chợ cóc này tồn tại ngay bên cạnh đường ray tàu hỏa. Không rào chắn, không biển báo nguy hiểm, người dân vẫn vô tư mua và bán mà không hề mảy may đến những nguy hiểm đang rình rập.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, nhân viên gác chắn đường ngang Km 13+024 (gần khu vực chợ hoạt động) cho biết: Cung đường sắt Phú Diễn trung bình mỗi ngày có khoảng 4-5 chuyến tàu chạy qua, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra, nhưng nhiều người vẫn coi thường tính mạng.
Trên thực tế tại đây đã xảy ra những vụ va quệt giữa người đi đường và người bán hàng, thậm chí cả tai nạn chết người do tàu hỏa tông phải. “Cách đây khoảng ba tháng có một người đàn ông dựng xe máy bán hàng sát đường tàu đến nỗi, khi tàu chạy qua đã quệt vào chiếc xe máy. May mà anh này đã kịp nhảy ra ngoài nên không nguy hiểm đến tính mạng còn xe máy thì bị hỏng hết” - chị Hiếu cho biết.
Nguy hiểm là thế song chỉ vì miếng cơm manh áo, vì chút lợi nhuận, vì ngại đi vào chợ mà cả người bán lẫn người mua bất chấp nguy hiểm tính mạng đang rình rập hàng ngày, hàng giờ.
Thêm một số hình ảnh phóng viên ghi lại ở "chợ chạy tàu":
Sát chợ cóc này là chợ Cổ Nhuế. Bên trong chợ chật chội nên nhiều người buôn bán ngồi tràn ra ngoài.
Vô tư họp chợ ngay trên đường tàu bất chấp nguy hiểm tính mạng
Thậm chí người phụ nữ này còn ngồi lên đường ray tàu vặt lông gà cho khách
Và khi có đoàn tàu chở hàng đi qua, những người buôn bán sẽ chạy dạt sang hai bên. Bóng tàu vừa khuất, hàng hóa lại nhanh chóng được bày ra.
Theo Nguyễn Hoan (Petrotimes)