Hồi sinh!
Tháng 8/2019, một trận lũ quét kinh hoàng đã khiến 10 người dân trú tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) bị cuốn tử vong, mất tích; hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn. Sa Ná lúc đó trở nên hoang tàn.
Kết thúc quá trình cứu trợ khẩn cấp, để ổn định cuộc sống cho bà con, UBND huyện Quan Sơn đã quy hoạch khu tái định cư bản Sa Ná mới với diện tích 5,2ha tại một quả đồi khá bằng phẳng, nằm cách vị trí cũ khoảng 1km cho 51 hộ dân. Mỗi hộ dân tùy theo mức độ thiệt hại được cấp từ 150 – 240 triệu đồng (từ kinh phí của nhà nước và các nhà hảo tâm) cùng 240m2 đất ở để sớm ổn định cuộc sống.
Những ngày cuối năm 2020, nhóm PV Người Đưa Tin từ TP.Thanh Hóa vượt hơn 200km trở lại thăm bản tái định cư Sa Na để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của bà con nơi đây khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Từ Quốc lộ 217, một con đường chạy dọc theo dòng suối Son được nhà nước đầu tư, xây dựng với kinh phí 50 tỷ đồng chạy thẳng vào khu tái định cư Sa Ná đang dần được hoàn thành.
Gần 30 phút chạy xe ô tô, trước mắt chúng tôi phía xa xa trên đỉnh núi Pom Ngồ là những dãy nhà cấp 4 được sơn màu xanh da trời nằm cạnh các ngôi nhà sàn truyền thống của người bản địa. Những lá cờ Đảng, cờ Tổ Quốc treo ngay ngắn dọc theo các con đường khu tái định cư tạo nên vẻ đẹp hút hồn, hiếm gặp của một bản làng giữa đại ngàn miền Tây xứ Thanh.
Trở lại Sa Ná hôm nay, trong tâm khảm của người dân nơi đây, ký ức kinh hoàng của cơn đại hồng thủy đã dần nhường chỗ cho sự hồ hởi, lạc quan hơn với cuộc sống mới. Tại khu tái định cư, để tạo điều kiện thuận lợi việc học hành cho con em địa phương, Nhà nước đã cho xây dựng 2 điểm trường tiểu học và THCS Sa Ná.
Mùa xuân mới trên khu tái định cư Sa Ná
Anh Ngân Văn Thêm (SN 1990), trú tại bản Sa Ná cho biết, bố và mẹ của anh đã bị cuốn tử vong trong trận lũ quét năm 2019. Khi chuyển lên khu tái định cư mới, gia đình anh được Nhà nước cấp đất, xây nhà và hỗ trợ ổn định cuộc sống. Do diện tích đất canh tác ít nên cuộc sống của gia đình anh hiện tại dựa vào 4ha đất rừng sản xuất được gia đình giao khoanh nuôi, bảo vệ. Thu nhập từ việc khai thác lâm sản phụ từ rừng cho thu nhập tương đối để anh đảm bảo cuộc sống cho vợ và 2 con.
Anh Thêm chia sẻ, người dân tại khu tái định cư Sa Ná là đồng bào dân tộc Thái. Khi vụ mùa kết thúc, những người phụ nữ Thái ngoài dệt vải thì còn chuẩn bị những vò rượu ngon để ăn Tết Nguyên đán của dân tộc. Khoảng 28 - 29 tháng chạp (AL), Ban quản lý bản Sa Ná lại tổ chức mổ lợn, trâu bò để tổ chức tất niên cho tất cả người dân trong bản.
“Theo thông lệ, gần Tết Nguyên đán, mọi người trong bản cùng nhau góp tiền, rượu, gà lợn để tổ chức tất niên ăn uống vui vẻ với nhau. Ban đêm xuống chúng tôi đốt lửa, ngồi quây quần bên nhau uống rượu cần, cùng động viên, chia sẻ niềm vui buồn với nhau trong một năm qua. Sang đầu năm mới, chúng tôi lại đi thăm nhà, uống rượu chúc mừng nhau năm mới” – anh Thêm chia sẻ.
Còn anh Ngân Văn Lệ (SN 1987) chia sẻ, sau trận lũ quét kinh hoàng, đây là năm thứ hai gia đình anh và bà con nơi đây ăn Tết tại khu tái định cư. Được chuyển lên sinh sống trong những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang khiến anh Lệ và bà con rất yên tâm, phấn khởi.
Theo anh Lệ, theo phong tục của người Thái nơi đây, Tết Nguyên đán là dịp mọi người trong gia đình, bản làng quây quần bên nhau sau một năm lao động vất vả. Tuy nhiên, năm 2019 do giáp Tết mới chuyển lên khu tái định cư trong khi việc xây dựng chưa hoàn thiện, thêm vào đó, người dân Sa Ná mới trải qua một sự mất mát quá lớn chưa lâu nên mọi người chưa kịp “hoàn hồn”.
Còn Tết Nguyên đán năm 2021 này, khi cuộc sống đã dần ổn định, đời sống người dân ngày càng tốt lên, hứa hẹn khu tái định cư Sa Ná sẽ có một cái Tết ấm cúng, đoàn viên và sung túc.
“Dù đây là năm thứ hai đón Tết tại khu tái định cư, nhưng năm ngoái cận kề Tết mới chuyển lên, hơn nữa mọi người mới trải qua đau thương quá lớn nên bà con không còn tâm trạng để vui chơi. Năm nay, khi vết thương lòng lành dần, chúng tôi dự định sẽ tổ chức tết chung của bản chào đón năm mới” – anh Lệ nói.
Ông Lương Văn Huân – Chủ tịch xã Na Mèo cho biết, hiện tại cuộc sống của các hộ dân tại khu tái định cư Sa Ná đã ổn định, phát triển. Bản Sa Na đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và hiện tại nhà nước đã đầu từ một con đường 50 tỷ đồng vào bản tái định cư. Địa phương đang xây dựng kế hoạch, Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể sẽ vào thăm, tặng quà và tổ chức Tết cho bà con Sa Ná.
Xuân Chinh - Việt Phương