Cổ đông "bí ẩn" nắm tỉ lệ vốn quá bán
Có giá đắt nhất trong 5 bộ SGK thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới được bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt, Cánh Diều cũng là bộ sách lớp 1 được nhiều tỉnh/thành và trường học lựa chọn nhất cho năm học 2020 – 2021. Đây là bộ sách được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng độc quyền SGK suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau khi được đưa vào giảng dạy lớp 1 của năm học 2020-2021, bộ sách đã gây "bão" dư luận vì những phàn nàn giá cao, hàm lượng tiết học quá tải và nội dung thì có nhiều chi tiết chưa phù hợp, thậm chí sai sót và phản cảm. Xem thêm tại đây.
Bộ sách này do nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM và công ty CP Đầu tư Xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn, xuất bản. Trong đó, VEPIC là công ty tư nhân lần đầu tham gia biên soạn, xuất bản SGK.
Theo thông tin được công bố trên cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, VEPIC được thành lập ngày 27/7/2016, có trụ sở tại tầng 1, tòa nhà Green Park Tower, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách và các ấn phẩm giáo dục, cung ứng thiết bị giáo dục,…
DN có vốn điều lệ ban đầu là 33,3 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (mã: EID) góp 12 tỷ đồng (chiếm 36,036% vốn điều lệ), công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (mã: SED) góp 12 tỷ đồng (chiếm 36,036 %), công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (mã: DAD) góp 6 tỷ đồng (chiếm 18,018%).
Số cổ phần khoảng 10% còn lại do các cổ đông cá nhân nắm giữ, trong đó nắm 9% là ông Phạm Thanh Nam - người từng giữ chức Thành viên HĐQT DAD, ông Dương Xuân Mộc - người từng giữ chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng công ty CP In Sách giáo khoa tại TP Hà Nội (TPH) nắm 0,6% và ông Vũ Gia Hưng - Thành viên BKS TPH đồng thời là Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán thuộc ban Kế hoạch Tài chính (NXB Giáo dục Việt Nam) - nắm 0,3%.
Tuy nhiên, ngày 18/11/2016, tức là chỉ sau 4 tháng thành lập, VEPIC tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 3 lần, ở mức 108,715 tỷ đồng. Các cổ đông cũ đều bị giảm tỉ lệ sở hữu để “dọn đường” cho sự xuất hiện của cổ đông mới nắm tỉ lệ vốn áp đảo.
Cụ thể, cả công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội lẫn công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam đều giảm tỉ lệ nắm giữ vốn từ 36,036% xuống còn 11.038%; công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng giảm từ 18,018% xuống còn 5,519%; các cổ đông cá nhân còn lại cũng giảm sở hữu xuống chỉ còn khoảng hơn 3%.
Sau tăng vốn, gần 69,5% cổ phiếu VEPIC thuộc sở hữu của cổ đông mới. Tuy nhiên, mặc dù sở hữu tỉ lệ vốn quá bán tại VEPIC nhưng danh tính của cổ đông mới lại không được ghi trong nội dung công bố thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
Tiềm lực hạn chế
Theo tìm hiểu của PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, VEPIC kinh doanh khá bết bát trước khi được lựa chọn tham gia xuất bản bộ SGK Cánh Diều. Cụ thể, sau 4 năm tham gia thị trường xuất bản, chỉ một năm đầu có lãi không đáng kể, 3 năm sau thì thua lỗ. Năm 2016, doanh thu thuần của VEPIC đạt 2,8 tỷ đồng, lãi thuần chỉ ở mức 133 triệu đồng. Năm 2017, doanh thu 5,8 tỷ đồng nhưng lại lỗ đến hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2018 thì thậm chí lỗ thuần tới 10,38 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2019, doanh thu thuần của VEPIC chỉ đạt 4,13 tỷ đồng nhưng lỗ thuần đã lên đến 14,4 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của VEPIC đạt 116,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 82,4 tỷ đồng. Từ con số vốn góp chủ sở hữu vào thời điểm 18/11/2016 là 108,715 tỷ đồng thì có thể kết luận DN này đang chịu lỗ lũy kế hơn 20 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động.
Tuy nhiên, rất có thể sẽ có cú “lội ngược dòng” của các con số này trong bản báo cáo kết quả kinh doanh năm nay. Bởi hiện tại, ngoài quyền lợi đồng biên soạn, xuất bản bộ SGK Cánh Diều, VEPIC còn chịu trách nhiệm tái bản một số sách thuộc chương trình tiểu học do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành, các sách dành cho giáo viên thuộc bộ Cánh Diều,…
Sách Cánh Diều “áp đảo” so với 4 bộ SGK còn lại
Theo công bố của bộ GD&ĐT, kết thúc thời gian lựa chọn SGK mới vào cuối tháng 5/2020, bộ Cánh Diều được 20 tỉnh thành lựa chọn đặt hàng với 3 triệu bản sách.
Trong đó, nhiều địa phương có tỉ lệ chọn bộ SGK Cánh Diều”cao: 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 quyển; 100% trường ở Sơn La chọn 5 môn (Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm). Tại Phú Thọ, 100% trường chọn 4 môn (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên Xã hội và Giáo dục Thể chất)....
Tỉ lệ chọn SGK Cánh Diều tính theo số học sinh ở nhiều tỉnh khá cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86 %, Thái Bình: 64,08%, Hậu Giang 77%...