Qua thanh tra về việc đầu tư 5 dự án (DA) đầu tư của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gồm: DA đầu tư xây dựng Hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay - CHKQT Phú Quốc; DA Mở rộng sân đỗ máy bay khu 21 ha đất quân sự bàn giao tại CHKQT Tân Sơn Nhất; DA Cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - CHKQT Đà Nẵng; DA xây dựng công trình Mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc và xây dựng mới đường lăn E7 - CHKQT Đà Nẵng; DA xây dựng Nhà ga hành khách - CHK Phù Cát) thì công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán đã vận dụng định mức với một số hạng mục công việc bảo dưỡng bê-tông xi-măng chưa phù hợp, dẫn đến việc thanh quyết toán bị dở dang.
Cụ thể, thanh tra bộ Tài chính nêu rõ: "Khi lập, thẩm định DA đầu tư do công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC lập và đã được ACV phê duyệt đã căn cứ vào định mức tại Quyết định số 162/QĐ-CHK-XD ngày 29/3/2002 của cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) là không đúng với quy định".
Theo đó, Điều I của Quyết định này quy định: “Các định mức và các đơn giá được lập theo điều kiện thực tế tại công trình (cải tạo nâng cấp hệ thống đường lăn) - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nên không áp dụng cho các công trình khác".
Cũng theo công văn số 328/BXD-VKT ngày 12/3/2002 của bộ Xây dựng gửi cục HKDDVN đã đề nghị cục HKDDVN chỉ đạo và triển khai xây dựng định mức chuyên ngành cho những công tác chưa có trong hệ thống định mức của Nhà nước để đưa vào áp dụng từ năm 2001 cho các dự án xây dựng sân bay của ngành hàng không, không thỏa thuận riêng cho từng công trình ngành hàng không như hiện nay.
Tuy nhiên, trên thực tế chủ đầu tư đã không thực hiện theo chỉ đạo của bộ Xây dựng mà lại căn cứ vào một số định mức quy định tại Quyết định số 162/QĐ-CHK-XD.
Đối với hạng mục công tác “thi công bảo dưỡng BTXM M150/40 và M350/45 bằng chất tạo màng và bao tải”, cơ quan thanh tra phát hiện có những bất hợp lý làm chi phí dự án tăng như: Mã mục định mức TSN17 thì chi phí nhân công tính 3,5 công/m² cho công việc trải bao tải. Như vậy định mức chi phí nhân công cho công tác bảo dưỡng BTXM là cao quá mức so với quy định, từ đó dẫn đến chi phí nhân công cho công tác này chiếm tỷ trọng trong tổng chi phí của dự án.
Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán giá một số loại vật liệu và chi phí nhân công, các dự án nêu trên thực hiện chưa đúng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án “Mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79ha đất quân sự bàn giao tại CHKQT Tân Sơn Nhất”, dự toán tính tăng không đúng số tiền là 4,9 tỷ đồng; Dự án nâng cấp sân bay đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - Cảng HKQT Đà Nẵng dự toán tăng chưa đúng số tiền hơn 345,8 triệu đồng; Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng HKQT Phú Quốc dự toán tính tăng chưa đúng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Thiện Tống cho biết: "Từ kết luận của thanh tra bộ Tài chính chúng ta có thể thấy việc bộ GTVT quyết định giao đất cho ACV tiềm ẩn nhiều rủi do đặc biệt là vấn đề tài chính. Thêm vào đó, tại khu đất này có các đơn vị quân đội đóng quân, chưa thể di dời ngay cho dù bộ Quốc phòng đã có chủ trương bàn giao đất để xây dựng nhà ga hành khách T3. Ngoài ra, việc giao đất cũng vướng luật, bởi hiện nay ACV đã là công ty cổ phần có vốn tư nhân và nước ngoài (không phải doanh nghiệp nhà nước), nên không thể giao đất thẳng cho ACV, mà phải theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. Vậy bộ GTVT kiên quyết giao đất cho ACV liệu đã thật sự minh bạch hay chưa? Bộ GTVT cần làm phải làm rõ".
Qua tìm hiểu của PV được biết trước đó, tại dự án sửa chữa, nâng cấp CHC, đường lăn và sân đậu sân bay Pleiku (Gia Lai) do ACV làm chủ đầu tư vừa làm xong đã buộc phải nâng cấp mở rộng. Phải chăng, “tầm nhìn” và năng lực của ACV là rất hạn chế. Vậy nếu giao cho ACV thi công nhà ga T3, Tân Sơn Nhất và quyết thực hiện trên khu đất 16,37ha (thay vì 26ha như ADP-I đề xuất) để đón 20 triệu khách, liệu dự án này có giống như sân bay Pleiku, vừa đầu tư xây dựng xong đã phải nâng cấp không?
ACV đề xuất xây dựng nhà ga T3 công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. Nhà ga sẽ được trang bị nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại; dự kiến tổng kinh phí dự án hơn 11.430 tỷ đồng.
Nhà ga T3 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch, nằm trong khu vực đất 16,37 ha được Bộ Quốc phòng bàn giao.
Nguyễn Lâm