Sáng 30/11, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông.
Tại buổi lễ, 16 chủ thể sản xuất hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL.
CDĐL “Đắk Nông” là dấu hiệu dùng để chỉ dẫn cho các sản phẩm: tiêu đen, tiêu đỏ và tiêu trắng. Các sản phẩm này có chất lượng đặc thù, được thu hoạch từ cây hồ tiêu trồng trên địa bàn tỉnh. Đây là CDĐL thứ 111 của cả nước và đầu tiên của tỉnh Đắk Nông.
Là tổ chức quản lý CDĐL hạt tiêu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông cho biết, quá trình tạo lập CDĐL hạt tiêu Đắk Nông đã giúp cho địa phương có thêm kinh nghiệm quý báu để định hướng cho việc xây dựng, phát triển CDĐL cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Việc tạo lập thành công CDĐL hạt tiêu Đắk Nông là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng trong việc liên kết, phối hợp giữa các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh; giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng sản xuất - kinh doanh; giữa các nhà nghiên cứu, nhà tư vấn với các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong việc xây dựng, triển khai mô hình đăng ký - quản lý - phát triển CDĐL.
Hơn thế nữa, Đắk Nông là một trong những khu vực cho năng suất hồ tiêu cao nhất Việt Nam. Từ năm 2002-2020, diện tích hồ tiêu của tỉnh tăng liên tục từ 550 ha lên tới 33.591 ha, với sản lượng đạt 60.049 tấn. Vì vậy, việc tạo lập thành công CDĐL hạt tiêu ở Việt Nam là tiền đề quan trọng để tiến tới đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông đề xuất UBND tỉnh xem xét và cho phép triển khai đăng ký CDĐL ra nước ngoài, tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tại buổi lễ, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các nhà sản xuất, kinh doanh tham gia CDĐL tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, để phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu hạt tiêu Đắk Nông.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, bà con tiếp tục xây dựng liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm soát nội bộ để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, với vai trò của chủ sở hữu CDĐL hạt tiêu Đắk Nông, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cần xây dựng các chính sách, tổ chức bộ máy quản lý một cách hợp lý nhằm hoàn thiện, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có thể sử dụng CDĐL một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm hạt tiêu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình nhằm duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm và khẳng định vị trí của sản phẩm trên thị trường.
Mặt khác, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông cùng các nhà sản xuất cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang CDĐL để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá sản phẩm hạt tiêu Đắk Nông với nhiều hình thức khác nhau trên thị trường. Liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả trên thị trường để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, của địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho đặc sản hạt tiêu Đắk Nông truyền thống của địa phương.
Khánh Ngọc