Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 14/08/2024 07:00

Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút khoảng 150 - 200 tỷ USD vốn FDI còn giai đoạn 2026-2030 thu hút 200 - 300 tỷ USD.

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra mục tiêu, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giai đoạn 2021-2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, tức là trung bình mỗi năm Việt Nam thu hút khoảng 30 - 40 tỷ USD.

Giai đoạn 2026 - 2030 Việt Nam thu hút khoảng khoảng 200 - 300 tỷ USD, tính trung bình mỗi năm nước ta thu hút khoảng 40 - 50 tỷ USD vốn FDI.

Cùng với đó, vốn FDI thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD, tính trung bình mỗi năm vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt khoảng từ 20 - 30 tỷ USD; Giai đoạn 2026 - 2030, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 150 - 200 tỷ USD, trung bình mỗi năm vốn FDI thực hiện đạt khoảng từ 30 - 40 tỷ USD.

Đặc biệt, Nghị quyết 50 cũng đặt ra mục tiêu tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Tỉ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Trong khi đó, tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Cần chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá

Để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư theo yêu cầu Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh hoàn thiện thể chế, Việt Nam cũng cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng- Ảnh 1.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh, đặc biệt giữ chân và thu hút các doanh nghiệp đại bàng với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.

"Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà mục tiêu để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên. Đồng thời thể hiện tinh thần "thiện chí đồng hành" của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Khi trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói rằng, để hiện thực hóa những mục tiêu được nêu trong Nghị quyết 50, nhìn lại các chính sách hiện nay, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn.

"Chúng ta cần phải cạnh tranh bằng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, không còn rào cản, có sự phát triển ổn định bền vững và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng, đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh… cũng là một trong những tiêu chí cần đặc biệt chú trọng", ông Toàn nhìn nhận.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, VAFIE (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Toàn đánh giá, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm, cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng trở nên gay gắt. Dù vậy, Việt Nam vẫn đang giữ nhịp thu hút được vốn FDI khá tốt trong bối cảnh sụt giảm toàn thế giới.

Theo ông Toàn, năm 2024 được xem là thời cơ, bước ngoặt mới để Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh tới việc chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Còn TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Ông Thành cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam.

"Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia. Do đó, Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp họ duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này", ông nói.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nói rằng, xu hướng dòng vốn FDI thường do các tập đoàn đa quốc gia điều phối.

Theo ông Hùng, trước đây, chúng ta dùng khái niệm những ngành có giá trị thấp, các ngành di động là "foot-loose" hay mô hình "đàn sếu bay" ám chỉ cứ một vài năm phát triển tốt, các ông lớn FDI lại tìm cách chuyển dịch sang nước khác.

"Các ngành này có chi phí chuyển dịch từ nước nọ sang nước kia rất thấp và thường chạy theo lợi ích của địa phương hoặc của các quốc gia. Theo đó, "foot-loose" trước đây là ngành như dệt may, còn nay có thể là ngành lắp ráp điện tử...", ông Hùng nói.

Vị chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp FDI chỉ tận dụng lợi thế về đất đai, nhà xưởng, điện, lao động và cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển... của mỗi quốc gia.

"Nếu tình hình kinh doanh bớt thuận lợi hơn hoặc các nước khác có trợ cấp, có lợi ích tốt hơn, các ngành này rất dễ chuyển dịch từ nước nọ sang nước kia. Đó là xu hướng của FDI", ông Hùng phân tích.

Nhìn vào thực tế của Việt Nam hiện nay, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hiện tương đối yếu. Điều này dẫn đến trên lãnh thổ Việt Nam có hai nền kinh tế nhỏ.

"Một, nền kinh tế nhỏ là nền kinh tế nội địa; Hai là, nền kinh tế xuất khẩu. Tức họ đến mượn đất, mượn đường, mượn điện của ta, thuê người của ta nhưng về cơ bản là quản tất cả, từ đầu vào và đầu ra. Điều này cũng thể hiện ở con số hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào khối FDI", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB
Nếu tình hình kinh doanh bớt thuận lợi hơn hoặc các nước khác có trợ cấp, có lợi ích tốt hơn, các ngành này rất dễ chuyển dịch từ nước nọ sang nước kia. Đó là xu hướng của FDI.

Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa lợi ích của dòng vốn FDI đối với tiến trình tăng trưởng, phát triển kinh tế bằng hai việc.

Thứ nhất, kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, hiện doanh nghiệp trong nước phần lớn là vừa và nhỏ, còn doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn thì hơi ít và doanh nghiệp đủ lớn để có thể điều khiển được chuỗi thậm chí còn ít hơn. "Do đó, cần tạo ra môi trường để doanh nghiệp nội địa lớn lên và khi lớn lên sẽ tham gia sâu hơn vào các chuỗi xuất nhập khẩu của khu vực FDI", ông Hùng khuyến nghị.

Đón dòng vốn FDI thế hệ mới, cần "ổ lót" là lao động chất lượng cao

Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội và là lợi thế cạnh tranh.

Theo dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2050 Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, có nêu mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn đáp ứng cho nhu cầu thị trường tại thời điểm năm 2030, trong đó có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị...

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng- Ảnh 4.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức Lễ bế giảng chương trình “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản" (Ảnh: MPI).

Để thực hiện đề án phát triển nguồn lực cho ngành này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, đến năm 2030, kinh phí cần 26.000 tỷ đồng.

Trong đó, 17.000 tỷ đồng đến từ ngân sách Nhà nước. Kinh phí phân bổ làm 2 giai đoạn 2024-2025 (7.900 tỷ đồng), 2026-2030 (18.100 tỷ đồng). 50.000 kỹ sư được đào tạo theo cơ cấu gồm 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ, 42.000 kỹ sư.

Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Việc đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên cũng được triển khai song song. Những giảng viên này sẽ giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Kim Sơn có nói rằng, bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nên cũng mong đầu tư cao và "không thể tay không bắt chíp được".

Bộ trưởng Trần Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục thấy rõ đây là trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các phòng thực hành để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

Về phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi báo cáo tại Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn" hồi tháng 4/2024 với Thủ tướng Chính phủ, có nhấn mạnh rằng, nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới.

"Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược", ông Dũng nói.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI).

Tuy nhiên, theo Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, với bối cảnh hiện nay, giai đoạn đầu Việt Nam nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất…

Việt Nam cũng cần tối thiểu 4 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn ở mức cơ bản tại 18 trường đại học kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu.

"Xây tổ" đón đại bàng

Trong nỗ lực cấp bách chuẩn bị các điều kiện thu hút dự án công nghệ cao, dự án ngành công nghiệp bán dẫn, chưa đầy 2 năm, trụ sở làm việc mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) gần 20.000m2 tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội) đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 10/2023.

Đây được xem là hạt nhân kết nối các bên liên quan để dần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tòa nhà có kiến trúc hiện đại theo biểu tượng chim đại bàng tung cánh trong không gian khoáng đạt, thể hiện khát vọng của Việt Nam mượn sức mạnh thời đại để trỗi dậy, cất cánh cùng với các cường quốc công nghệ trên thế giới.

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, NIC Hòa Lạc sẽ là nơi hội tụ một hệ sinh thái năng động trong khu vực, nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và nhân tài trong và ngoài nước, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, đưa các dự án đổi mới sáng tạo phát triển lên một tầm cao mới.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 3: Hiện thực hoá mục tiêu tham vọng- Ảnh 6.

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Ảnh: Thế Đại).

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, thời gian qua, NIC đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

NIC cũng kết nối với các chuyên gia khoa học công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam dựa trên các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thực hiện Chiến lược 4.0.

"Mục tiêu và sứ mệnh của tòa nhà này là phát triển hệ sinh thái tầm cỡ khu vực và thế giới về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hệ sinh thái ấy bao gồm các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước, họ có thể lập các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các văn phòng dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại đây", ông Huy nói.

Theo ông Huy, hệ sinh thái ấy cũng gồm các chủ thể khác như quỹ đầu tư, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước; các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn, vườn ươm công nghệ…

Đã có nhiều giải pháp được Chính phủ cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động triển khai trước để sớm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, tinh thần là "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của thực tiễn trong nước và thế giới.

Và trong quá trình thực hiện, sẽ còn rất nhiều việc phải làm để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng và là điểm dừng chân lâu dài cho các nhà đầu tư FDI.

Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hôm khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã nói: "Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, hành trình đổi mới sáng tạo phía trước còn nhiều gian nan, thử thách và những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn".

(Còn nữa)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.